Hà Nội

Sự hình thành dịch bệnh não mô cầu

23-03-2017 15:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tại nhiều quốc gia trong đó có nước ta, bệnh não mô cầu thường phát triển vào khoảng tháng 2 - 3 ở thời điểm có độ ẩm cao.

Bệnh lây nhiễm theo đường hô hấp, tác nhân gây bệnh là loại song cầu khuẩn Neisseria meningitidis. Tại nhiều quốc gia trong đó có nước ta, bệnh thường phát triển vào khoảng tháng 2 - 3 ở thời điểm có độ ẩm cao. Cần đề phòng dịch bệnh bùng phát ngay từ đầu năm khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên tại địa phương.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2016 cả nước có 53 bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu gây 5 trường hợp tử vong.

Nhiễm khuẩn do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis là một bệnh được lây truyền theo đường hô hấp và có nhiều thể bệnh lâm sàng khác nhau, từ thể nhẹ như viêm mũi họng đến thể nặng hơn như viêm màng não, viêm màng não - não, nhiễm khuẩn huyết kịch phát có sốc... Theo các nhà khoa học, vi khuẩn não mô cầu có sức sinh sôi nảy nở, phát triển nhanh ở môi trường ẩm nóng và có khả năng tiềm ẩn trên cơ thể con người; bệnh dễ dàng bùng phát thành dịch theo mùa và đang được xã hội quan tâm vì có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia.

Triệu chứng bệnh lý và biến chứng

Vi khuẩn não mô cầu sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nên tình trạng người mang vi khuẩn tiềm ẩn hoặc có biểu hiện một trong các thể bệnh khác nhau như: viêm mũi họng được xem là thể nhẹ, viêm màng não được xem là thể nặng, viêm màng não - não được xem là thể rất nặng, nhiễm khuẩn huyết từ mức trung bình đến rất nặng và nhiễm khuẩn huyết kịch phát có sốc được xem là thể nguy kịch. Trên thực tế thường gặp các thể bệnh khác phổ biến hơn được ghi nhận ở tại các ổ dịch với tỷ lệ khoảng 75 - 90% như: viêm mũi họng có diễn biến nhẹ; viêm mũi họng nhẹ không tới mức độ sổ mũi hoặc tắc mũi, họng ít bị sung huyết đỏ, không đau rát; không có viêm màng não, bạch cầu tăng nhẹ, phân lập được vi khuẩn não mô cầu từ chất dịch nhầy của mũi họng.

bệnh não mô cầuBệnh não mô cầu lây nhiễm qua đường hô hấp và phát triển vào tháng 2 - 3 ở thời điểm có độ ẩm cao

Có thể nói, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do nhiễm vi khuẩn não mô cầu là hai thể bệnh nặng và thể bệnh nguy kịch thường gặp nhưng ít có biến chứng hơn các loại viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết do những loại vi khuẩn khác. Chủ yếu các biến chứng được ghi nhận ở hệ thần kinh trung ương và ổ nhiễm khuẩn di căn đến các phủ tạng, cơ quan. Có thể gặp liệt dây thần sinh não số II, số VIII; viêm màng trong não thất, dính dày hoặc tắc nghẽn các lỗ thông dẫn tới hội chứng não nước. Viêm khớp cũng là biến chứng phát hiện ở 2 - 10% bệnh nhân, thường là viêm nhiều khớp, dịch khớp chứa nhiều bạch cầu đa nhân nhưng nhiều khi không có vi khuẩn não mô cầu, có thể do cơ chế miễn dịch bệnh lý. Những di căn nhiễm khuẩn khác rất ít gặp nếu bệnh nhân được điều trị sớm và đúng như viêm phổi do vi khuẩn não mô cầu hặc do bội nhiễm vi khuẩn khác cũng chưa rõ. Viêm nội tâm mạc cũng hiếm gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 5% số bệnh nhân với dấu hiệu có tiếng cọ màng ngoài tim nhưng ít khi trở thành viêm mủ ngoại tâm mạc hay viêm cơ tim. Những biến chứng do tác nghẽn huyết quản và đông máu rải rác nội mạch chủ yếu là xuất huyết da, niêm mạc và phủ tạng; đôi khi gặp trường hợp hoại tử ngón chân và tay. Bệnh nhân là trẻ em dưới 2 tuổi dễ có xuất tiết dưới màng cứng của não do dịch thấm viêm nhưng chỉ có 10% các trường hợp có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Suy hô hấp là biến chứng xảy ra trong trường hợp có phù não và tăng áp lực sọ não, suy tuần hoàn là biến chứng xảy ra trong trường hợp có sốc và xuất huyết ồ ạt; đây là những biến chứng nguy kịch, dễ gây tử vong nhanh. Một số trường hợp sau khi đã khỏi viêm màng não, bệnh nhân có thể bị mất ngủ, giảm trí nhớ, đau đầu, động kinh và liệt nửa người nhưng ít gặp

Quá trình hình thành dịch bệnh

Cần lưu ý rằng sau khi xuất hiện người mắc bệnh não mô cầu đầu tiên tại địa phương, nếu bệnh nhân không được cách ly, điều trị kịp thời, sau khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần sẽ hình thành dịch bệnh tại đây. Thực tế tỉ lệ người mang vi khuẩn khoảng 2 - 15% lúc chưa có dịch, khi  dịch bệnh đã phát triển thì tỉ lệ có thể chiếm đến 40% trong số người có tiếp xúc với bệnh nhân. Trong những tập thể khoảng một hai ngàn người, tỉ lệ mắc bệnh có thể chiếm tới 16 - 32%; tỉ lệ người mang vi khuẩn có thể gấp 10 - 14 lần so với lúc chưa có dịch, có khi lên tới 100% vì thực tiễn có trường ghi nhận cứ một bệnh nhân điển hình viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết với sốc thì có khoảng 1.800 - 2.000 người mang vi khuẩn hoặc cao hơn. Tỉ lệ người mang vi khuẩn trong ổ dịch tăng theo lứa tuổi, theo thời tiết như mùa đông xuân thường cao hơn mùa hè; đồng thời tỉ lệ cao hay thấp cũng tùy theo hiệu quả chống dịch.

Nguồn lây truyền bệnh não mô cầu là người mang vi khuẩn và bệnh nhân thể viêm màng não nhẹ không điển hình, thường chiếm tỉ lệ khoảng 75 - 98% trong tổng số bệnh nhân. Loại đối tượng này ít được chú ý theo dõi, vẫn có giao lưu đi lại tự do nên đây là nguồn lây nhiễm bệnh khá quan trọng. Bệnh lây nhiễm theo đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt bắn li ti hay bụi nước bọt hoặc đờm dãi chứa vi khuẩn não mô cầu được thải ra từ mũi họng từ người bệnh và người mang vi khuẩn. Thực tế vi khuẩn não mô cầu không sống lâu ở bên ngoài cơ thể nên ít lây truyền gián tiếp qua quần áo, bát đũa, đồ chơi... Vi khuẩn thường hiện diện ở mũi họng của bệnh nhân từ 2 - 10 ngày trước khi phát bệnh và được thải ra ngoài trong khoảng thời gian 3 - 4 tuần kể từ khi phát bệnh. Người mang vi khuẩn thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài thường lâu hơn người bệnh nhưng cũng có thời hạn, có khoảng 75% trường hợp thải ra mầm bệnh trong khoảng thời gian từ 4 - 6 tuần đến 2 - 3 tháng, rất hiếm khi tới 1 - 2 năm và có khả năng dễ kéo dài ở những người viêm mũi họng mạn tính. Thực tế bệnh lây truyền từ người mang vi khuẩn vẫn là chính; dịch bệnh thường xâm nhập vào các trường học, các trại tân binh mới tập trung, các khu nhà ở tập thể sống chật chội, thiếu ánh sáng, ẩm thấp...

Bệnh tồn tại dưới hình thức phát sinh tản phát hoặc bùng phát thành dịch. Tại nhiều quốc gia, bệnh thường phát sinh vào tháng 2 - 3 ở thời điểm có độ ẩm cao. Tuy nhiên ở nước ta, bệnh có thể có sự khác biệt giữa hai miền do yếu tố khí hậu và thời tiết đặc thù; ở miền bắc có mùa dịch chính vào tháng 3 - 4, mùa dịch phụ vào tháng 9 - 10; ở miền nam nóng ẩm quanh năm, có hai mùa khô và mưa nên bệnh có thể rải rác suốt năm nhưng thường rộ lên vào các tháng 5, 6, 7. Ngoài quy luật của mùa dịch bệnh đã nêu trên, ở những tập thể thanh thiếu niên, học sinh, tân binh tập trung từ nhiều địa phương khác nhau thì dịch bệnh não mô cầu có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào nếu có người mang vi khuẩn mầm bệnh xâm nhập vào tập thể và lây truyền.

Tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 10 - 18, chiếm tỉ lệ đến 70% trong tổng số bệnh nhân; khoảng 30% còn lại thuộc nhóm tuổi dưới 10 và trên 18. Trẻ sơ sinh ít bị mắc bệnh vì có kháng thể từ người mẹ truyền sang, kháng thể này sẽ mất dần sau vài tuần. Trong huyết thanh của những người cao tuổi sống trong các địa phương hay có dịch bệnh não mô cầu thường có mang kháng thể để diệt vi khuẩn.

bệnh não mô cầuSong cầu khuẩn Neisseria meningitidis

Điều trị và phòng bệnh

Trong điều trị, đối với tất cả thể bệnh do nhiễm vi khuẩn não mô cầu sau khi được phát hiện trước hết cần phải cách ly người bệnh một cách chặt chẽ cho đến khi phân lập được 2 lần kết quả mầm bệnh âm tính hoặc sau 24 giờ kể từ khi bắt đầu điều trị đặc hiệu. Lưu ý điều trị người mang vi khuẩn não mô cầu và thể bệnh viêm mũi họng được thực hiện tại trạm y tế hoặc bệnh xá cơ sở, đối với trường hợp bệnh nhân bị viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết có sốc phải được điều trị tại bệnh viện. Cần điều trị bệnh thật sớm sau khi phát hiện, chẩn đoán; việc chọn kháng sinh sử dụng phải căn cứ vào kháng sinh đồ, nên chọn loại kháng sinh có sự khuếch tán tốt qua hàng rào máu não và phải lấy bệnh phẩm trước khi dùng kháng sinh. Ngoài điều trị đặc hiệu bằng sử dụng kháng sinh phù hợp, cần điều trị cơ chế và triệu chứng kết hợp với các biện pháp điều trị khác.

Việc phòng bệnh phải được chủ động thực hiện khi chưa có dịch xảy ra bằng cách tiến hành công tác giám sát dịch tập trung vào những tập thể có nhiều nguy cơ. Định kỳ cần kiểm tra tỉ lệ người mang vi khuẩn, tỉ lệ kháng thể diệt khuẩn, nhóm huyết thanh não mô cầu lưu hành. Nên giữ gìn vệ sinh thường xuyên, bảo đảm nơi ở rộng và thoáng mát, đủ ánh sáng, khô ráo; chú ý thực hiện vệ sinh răng miệng, mũi họng; giữ ấm cổ về mùa lạnh, ngăn ngừa viêm mũi họng. Khi phát hiện có bệnh nhân đầu tiên phải cách ly điều trị và khử trùng đờm dãi. Kiểm tra những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhằm phát hiện thêm những người mang vi khuẩn để xử trí. Khi dịch bệnh đã bùng phát và lan ra, cần xác định phạm vi, giới hạn ổ dịch để tăng cường các biện pháp vệ sinh; tiếp tục phát hiện bệnh nhân và người mang vi khuẩn, cách ly và điều trị tại chỗ những bệnh nhân thể viêm màng não và người mang vi khuẩn. Việc điều trị dự phòng bằng thuốc tại các ổ dịch bệnh não mô cầu có tác dụng ngắn và tốn kém nên hiện nay chỉ ứng dụng rất hạn chế trong một số đối tượng tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với bệnh nhân. Phải tổ chức tiêm chủng vắcxin phòng bệnh chọn lọc cho những tập thể và những vùng trọng điểm, đồng thời cũng tiêm chủng vắcxin phòng bệnh khẩn cấp trước mùa dịch cho nhóm tuổi có khả năng cảm thụ bệnh cao nhất. Việc tiêm chủng vắcxin được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

Chú thích ảnh:

Bệnh não mô cầu lây nhiễm qua đường hô hấp và phát triển vào tháng 2 - 3 ở thời điểm có độ ẩm cao

Song cầu khuẩn Neisseria meningitidis


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn