Theo lộ trình giá dịch vụ y tế sẽ tiến đến việc tính đúng, tính đủ, do đó mỗi cán bộ y tế phải xác định đổi mới phong cách thái độ phục vụ đối với người bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mình. Nếu bệnh nhân hài lòng thì họ sẽ đến bệnh viện nhiều hơn, thu nhập sẽ được cao hơn, như thế đời sống của cán bộ y tế sẽ cao hơn... Tuy nhiên, về phía người bệnh cũng nên hợp tác, chia sẻ và tôn trọng thầy thuốc trong khi hành nghề vì mục tiêu cuối cùng là sức khỏe người bệnh được chăm sóc. TS. Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về việc triển khai thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động và triển khai trong thời gian qua.
Bệnh nhân và thầy thuốc đều phải hướng tới sự hài lòng chung. Ảnh: T. Minh
Sao chỉ đòi hỏi thầy thuốc thay đổi?
Mới đây nhất, đêm ngày 7/10, tại Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng đã xảy ra tình huống bệnh nhân đang nằm trên cáng vùng dậy đánh bác sĩ trực cấp cứu vì chỉ bác sĩ đề nghị bố của bệnh nhân không được chỉ tay vào mặt bác sĩ khi nói chuyện. Người nhà của bệnh nhân này cho rằng bệnh nhân đã phải nằm chờ tại phòng cấp cứu đã 30 phút mới được bác sĩ đến khám, nên gia đình bức xúc. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tập - Giám đốc BV Việt Tiệp cho biết, khi bệnh nhân vào cấp cứu sẽ được phân loại, người nặng hơn sẽ được cấp cứu trước, người nhẹ hơn sẽ xử lý sau và đây là việc làm đúng quy trình. Quá trình bệnh nhân vào bệnh viện đến khi xảy ra vụ tấn công đều được camera ghi lại. Xem hình ảnh ghi lại từ camera, hẳn chúng ta sẽ thấy bệnh nhân rất hung hăng, lao thẳng vào đánh bác sĩ dù anh ta đang là người cần được bác sĩ chăm sóc.
Tuy nhiên, được biết sự việc bác sĩ bị bệnh nhân/người nhà bệnh nhân hành hung tại Bệnh viện Việt Tiệp không phải là hiếm mà đã từng xảy ra trước đây. Tại nhiều cơ sở y tế khác cũng đã xảy ra điều này. Đã có nhiều trường hợp bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, ở BVĐK Hà Tĩnh, ở BVĐK Cà Mau, ở TP. Hồ Chí Minh... bị đuổi đánh, sau đó ám ảnh, lo sợ khi tiếp nhận bệnh nhân.
Từ thực tế này đặt ra cho chúng ta câu hỏi, liệu chúng ta đòi hỏi thầy thuốc phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ để hướng đến sự hài lòng của người bệnh có công bằng không khi chính không ít bệnh nhân/người nhà bệnh nhân đã không hợp tác với thầy thuốc, đã lao vào “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với những người thầy thuốc đang cứu chữa cho mình, cho người nhà của mình? Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phạm Văn Tác bày tỏ: “Ngành y là ngành đặc biệt, do đó cần được tuyển chọn đào tạo sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi cán bộ y tế, vì bệnh nhân hài lòng thì sẽ đến khám, điều trị đông hơn, chắc chắn đời sống sẽ cao hơn. Tuy nhiên, mỗi người dân, mỗi người bệnh khi đến bệnh viện cũng chấp hành các nội quy của bệnh viện như không được hút thuốc lá, không tự ý dùng thuốc chữa bệnh khi không có ý kiến của bác sĩ và cũng cần tuân thủ những quy trình khám chữa bệnh... Như vậy, cả thầy thuốc và người bệnh đều cần phải thay đổi để hướng tới sự hài lòng từ cả hai phía. Và đây cũng là giá trị cao quý của xã hội”.
Vì sự hài lòng của người bệnh là quá trình thường xuyên, không dứt
Thống kê từ Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, nhiều địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Bộ Y tế. Cả nước đã có gần 30 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch Đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Khoảng 20 Sở Y tế, gần 60 bệnh viện đã ký cam kết thực hiện với Bộ Y tế. Bộ Y tế đã quán triệt, hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc các nội dung của kế hoạch.
“Trong thời gian tới, toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, triển khai đầy đủ các nội dung kế hoạch, quyết tâm xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế. Các bệnh viện đã ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú về các nội dung đổi mới. Bộ Y tế mong muốn người bệnh và xã hội ủng hộ ngành y tế thực hiện chủ trương kế hoạch này”- TS. Phạm Văn Tác nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi băn khoăn của dư luận về việc Bộ Y tế sẽ kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch này như thế nào? TS. Phạm Văn Tác chia sẻ, cam kết là một hình thức của một cá nhân cam kết với trưởng khoa và với giám đốc bệnh viện cũng như với Bộ Y tế và với người dân. Do đó, họ thường xuyên phải quan tâm đến phong cách thái độ của mình khi thực hiện nhiệm vụ. Khi nào họ không thực hiện nhiệm vụ nữa thì việc cam kết đó mới có thể chấm dứt. Có nghĩa đây là một việc làm thường xuyên, liên tục và không có thời điểm kết thúc.
Bộ Y tế sẽ giám sát chặt chẽ các bệnh viện thực hiện cam kết, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghiêm túc cam kết, tránh tình trạng ký cam kết lấy lệ, hình thức, không hiệu quả. Đồng thời, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và phát hiện kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình đề xuất với cơ quan có thẩm quyền kịp thời khen thưởng; đồng thời những bệnh viện, cán bộ không ký cam kết thì cấp có thẩm quyền có thể đưa ra các biện pháp mạnh như cắt thi đua và khen thưởng.
Thái Bình