bán hóa giá xe không sử dụng hoặc hết hạn sử cho cá nhân hoặc đơn vị mua lại nhưng không làm thủ tục sang tên, đổi chủ, khám lưu hành; vẫn dùng biển số xe cũ, cả đèn và còi, dấu hiệu chữ thập đỏ để sử dụng. Khi có tai nạn xảy ra do xe ô tô cứu thương gây nên, cơ quan chức năng mới phát hiện việc sử dụng xe không đúng.
Tiêu chuẩn của xe ô tô cứu thương
Xe ô tô cứu thương phải là xe ô tô đáp ứng yêu cầu cần thiết của Tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện giao thông đường bộ - ô tô - phân loại theo mục đích sử dụng và chỉ được sử dụng khi đáp ứng các tiêu chuẩn như:
Trang thiết bị bên ngoài xe ô tô cứu thương phải được lắp đặt cố định gồm thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên với đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, còi phát tín hiệu ưu tiên; việc cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Có bảng thông tin về đơn vị sử dụng được thể hiện ở hai bên cánh cửa lái chính và cửa lái phụ của xe ô tô cứu thương có kích cỡ tối thiểu với chiều cao 45cm, chiều rộng 50cm, trong đó đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về thông tin gồm logo đơn vị sử dụng xe nếu có với kích cỡ tối thiểu chiều cao 18cm, chiều rộng 18cm; có tên đơn vị, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định; số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Bố cục của bảng thông tin về đơn vị sử dụng xe ô tô cứu thương quy định logo đơn vị với hình logo có kích thước đã nêu trên; tên đơn vị dùng phông chữ Times New Roman chữ in hoa kéo dãn có chiều cao chữ 4,5cm và chiều dài cả dòng chữ 40cm; địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số giấy phép hoạt động khám bệnh và chữa bệnh dùng phông chữ Times New Roman có chiều cao chữ 2,5cm và chiều dài cả dòng chữ 45cm; lưu ý chiều cao và chiều dài quy định là kích thước tối thiểu. Thông tin của đơn vị có thể được sơn trực tiếp trên hai cánh cửa xe ô tô cứu thương hoặc được dán trực tiếp và cố định vào hai cánh cửa xe.
Trang thiết bị bên trong xe ô tô cứu thương gồm cáng chính sử dụng loại trượt, có dây đai an toàn, có bánh xe; ghế cho nhân viên y tế; tấm nhựa lót sàn xe bằng chất liệu chống trơn trượt, dễ vệ sinh, tẩy rửa, khử trùng; đèn chiếu sáng trong xe để phục vụ việc cấp cứu người bệnh; móc treo dịch truyền; ổcắm điện 12 volt; hộc, giá, kệ, tủ đựng chuyên dụng để lắp đặt trang thiết bị y tế kèm theo của hệ thống ô xy, các trang thiết bị y tế, đựng thuốc, y dụng cụ cấp cứu bảo đảm thuận tiện khi thao tác, vận hành và dễ dàng vệ sinh, tẩy rửa, khử trùng; búa thoát hiểm; trường hợp có một kíp cấp cứu ngoại viện thì trên xe ô tô cứu thương phải bảo đảm cơ số thuốc và trang thiết bị y tế đi kềm theo quy định về danh mục vali thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương; ngoài ra tùy theo tình hình thực tế, yêu cầu về mặt chuyên môn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể trang bị thêm trang thiết bị y tế cần thiết khác để phục vụ chuyên môn, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc và dụng cụ phục vụ người bệnh.
Sử dụng xe ô tô cứu thương
Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích như: chở nạn nhân, người bệnh cấp cứu hoặc đi đón nạn nhân, người bệnh cấp cứu; chở bác sĩ, nhân viên y tế, thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Lưu ý không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích đã được quy định này.
Xe ô tô cứu thương chỉ sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Khi vận chuyển nạn nhân, người bệnh ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ các nội quy, hướng dẫn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trách nhiệm quản lý hoạt động xe ô tô cứu thương
Để phương tiện xe ô tô cứu thương hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, sở y tế tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng xe ô tô cứu thương thuộc thẩm quyền quản lý; làm đầu mối theo dõi xe ô tô cứu thương của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm cả các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành đứng chân trên địa bàn; đồng thời cần chia sẻ số liệu theo dõi hằng năm về hoạt động của xe ô tô cứu thương với lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có trách nhiệm quản lý hoạt động của xe ô tô cứu thương tại cơ sở; phân công, bố trí xe ô tô cứu thương thực hiện nhiệm vụ đúng mục đích và bảo đảm kịp thời khi có yêu cầu sử dụng; ngoài ra cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi và không được có hành vi hoặc quy định ngăn cản xe ô tô cứu thương của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi thực hiện hoạt động vận chuyển người bệnh tại cơ sở của mình, kể cả trong trường hợp người bệnh hoặc gia đình người bệnh không sử dụng xe ô tô cứu thương của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của mình mà thuê xe ô tô cứu thương của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để vận chuyển.
Điều cần quan tâm
Hiện nay xe ô tô cứu thương được các cơ sở y tế sử dụng khá rộng rãi để thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển nạn nhân, bệnh nhân trong những trường hợp cần thiết kể cả đơn vị y tế nhà nước và y tế tư nhân. Tuy nhiên, để sử dụng phương tiện này đúng quy định của pháp luật thì các cơ sở y tế có trang bị xe ô tô cứu thương phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của xe, đồng thời việc sử dụng xe cũng phải theo đúng mục đích yêu cầu đã được nêu ở trên. Đối với các xe ô tô cứu thương không sử dụng hoặc đã quá hạn sử dụng cần thanh lý, bán hóa giá cho cá nhân hay đơn vị có nhu cầu mua lại thì cơ sở y tế có xe ô tô phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng; không để cá nhân hay đơn vị mua lại xe tiếp tục sử dụng biển số, bảng thông tin đơn vị, hệ thống đèn và còi phát tín hiệu; không làm thủ tục sang tên, đổi chủ, khám lưu hành... mà vẫn sử dụng xe một cách tùy tiện làm ảnh hưởng đến ngành y tế.