Sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo niềm tin cho nhà tài trợ

11-06-2012 21:52 | Thời sự
google news

Từ năm 2006 - 2010, Việt Nam đã được cộng đồng tài trợ quốc tế cam kết gần 15 tỉ USD vốn ODA. Nguồn vốn này đã bổ sung khoảng 11% cho tổng đầu tư toàn xã hội và chiếm khoảng 17% nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

(SKDS) -  Từ năm 2006 - 2010, Việt Nam đã được cộng đồng tài trợ quốc tế cam kết gần 15 tỉ USD vốn ODA. Nguồn vốn này đã bổ sung khoảng 11% cho tổng đầu tư toàn xã hội và chiếm khoảng 17% nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn ODA đã mang lại cho đất nước và người dân nhiều công trình kinh tế và phúc lợi xã hội quan trọng; hỗ trợ đắc lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chiến lược xóa đói, giảm nghèo...
 
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011 - 2015 được cam kết vào khoảng 32 - 34 tỉ USD, vốn giải ngân vào khoảng từ 14 - 16 tỉ USD (tương đương khoảng 6% tổng đầu tư xã hội). Như vậy, bình quân hằng năm trong thời kỳ 2011 - 2015, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân sẽ đạt khoảng từ 2,8 - 3,2 tỉ USD/năm, được sử dụng để tài trợ cho 8 ngành và lĩnh vực ưu tiên. Ðây là nguồn vốn vay chiếm tới 74% tổng dư nợ công của Chính phủ Việt Nam, hầu hết là vay trung và dài hạn, do đó theo cam kết, Chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ và dành mọi nỗ lực để phấn đấu thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn quan trọng này.
 
Ðiều này cũng phù hợp nguyên tắc vận động, huy động và sử dụng vốn ODA của Chính phủ Việt Nam là phải xác định rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của việc đầu tư và khả năng trả nợ theo cam kết. Chính vì vậy, hiệu quả sử dụng vốn ODA luôn là vấn đề mấu chốt mà cả Nhà nước và các nhà tài trợ quan tâm hàng đầu, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng nợ công quốc tế và giai đoạn rất nhiều khó khăn về huy động nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Với những ý nghĩa đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý, hài hòa thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Ðồng thời, để phát triển và duy trì tốt mối quan hệ song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nhà tài trợ, việc tổ chức đối thoại, tháo gỡ các vướng mắc của các bên trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn ODA cũng rất cần thiết bên cạnh cam kết sẽ xử lý nghiêm minh các sai phạm nếu có ở các dự án sử dụng vốn ODA. Có như vậy mới có thể tạo dựng và duy trì bền vững sự tin tưởng của cộng đồng các nhà tài trợ đối với việc sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sông Thao


Ý kiến của bạn