Liệu pháp virut chống ung thư là sử dụng các loại virut có khả năng nhiễm và gây tan tế bào ung thư (OLV) một cách chọn lọc mà không gây tổn hại các tế bào bình thường. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chủng virut vắc-xin sởi sống (MeV: measlesvirus), giảm độc lực hoặc biến đổi gen là ứng viên tốt nhất cho liệu pháp này. Bài viết của PGS.TS. Nguyễn Lĩnh Toàn - Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý bệnh - Học viện Quân y sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc về liệu pháp này.
Tính an toàn của vắc-xin sởi giảm độc lực
Vấn đề an toàn trong liệu pháp OLV điều trị ung thư được chia thành hai phạm vi: nguy cơ cho bệnh nhân và nguy cơ đối với cộng đồng.
Để giảm nguy cơ cho bệnh nhân, OLV phải có tính lựa chọn các khối u cao, không gây bệnh cho các mô bình thường và ổn định về mặt di truyền.
Để giảm nguy cơ cho cộng đồng, OLV tốt nhất là nguồn gốc từ một loại virut mà cộng đồng có miễn dịch tốt.
MeV sống, giảm độc lực được coi là một trong những loại vắc-xin an toàn nhất. Trong 50 năm qua, vắc-xin MeV đã được tiêm cho hơn 1 tỷ người theo Chương trình tiêm chủng mở rộng và độ an toàn cao thật sự đáng ghi nhận. Từ năm 1978 đến năm 2010, khoảng 575 triệu liều MeV sống, giảm độc lực được tiêm chủng và có 17.536 trường hợp không tốt đã được báo cáo, chỉ có 4.822 trường hợp được coi là nghiêm trọng, nguy cơ liên quan của 1 trường hợp nghiêm trọng như vậy là 8,4 ca/1 triệu liều phân phối. Cũng không có bằng chứng cho thấy MeV sống, giảm độc lực gây bệnh phải thu hồi.
Nghiên cứu vắc-xin tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm Bộ Y tế.
MeV nhạy cảm với nhiều loại ung thư
Hiệu ứng phá hủy tế bào của MeV được đặc trưng bởi sự hợp bào, do sự tương tác giữa hemagglutinin và protein kết hợp từ các tế bào bị nhiễm virut với các tế bào lân cận. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khả năng ly giải tế bào của MeV đối với nhiều dòng tế bào ung thư người như: u tủy, ung thư tuyến tụy, u thần kinh đệm, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, u tế bào hắc tố da, ung thư tế bào biểu mô thận, u trung biểu mô, u nguyên bào tủy, u phổi và ung thư đại tràng… Gần đây, các nhà khoa học của Học viện Quân y và Đại học Quốc gia Singapore đã chứng minh hiệu quả kháng ung thư của MeV với ung thư tế bào máu ngoại vi người, đặc biệt là ung thư bạch cầu tủy cấp cả trên nuôi cấy tế bào và trên chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ung thư bạch cầu tủy cấp hoặc ung thư tuyến tiền liệt người khi dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với virut vắc-xin quai bị. Trong 10 năm qua, nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của MeV đã được chứng minh trên ít nhất là 12 loại tế bào ung thư khác nhau.
Kết hợp liệu pháp OLV với thuốc ức chế miễn dịch
Kết hợp liệu pháp OLV với thuốc ức chế miễn dịch nhằm mục đích dễ dàng gây nhiễm virut vào khối ung thư đang phát triển trong cơ thể sống có một hệ miễn dịch nguyên vẹn nhằm nâng cao hiệu lực điều trị của liệu pháp OLV. Cyclophosphamide được biết là một thuốc ức chế miễn dịch có độc tính cao với sự sinh sản tế bào lympho, nó có thể điều chỉnh cả hai phản ứng miễn dịch tự nhiên và thích ứng. Đáp ứng với liều và thời gian phân bố cyclophosphamide với từng loại kháng nguyên tế bào là khác nhau, phản ứng ngăn chặn các tế bào lympho B và T rõ rệt nhất khi cyclophosphamide được dùng cùng một lúc hoặc không quá 3 ngày sau kích thích bằng kháng nguyên, đặc biệt cyclophosphamide có hiệu quả tốt khi sử dụng liều cao trước 1 hoặc 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên.
Phát triển các thử nghiệm lâm sàng
Hiện có 14 thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư giai đoạn I và giai đoạn II của liệu pháp OLV sử dụng MeV đã và đang được tiến hành trên thế giới. Các nghiên cứu chủ yếu tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu, điều trị ung thư - Mayo Clinic, Hoa Kỳ. Các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ung thư buồng trứng, ung thư trung biểu mô màng phổi, đa u tủy, u lympho… Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng đường tiêm MeV trực tiếp vào khối u điều trị ung thư hạch, truyền màng bụng virut sởi biến đổi gen (MeV-NIS) trong điều trị ung thư buồng trứng, tiêm vào màng phổi điều trị ung thư trung biểu mô màng phổi hoặc tiêm MeV vào sọ não điều trị ung thư não hoặc tiêm tĩnh mạch MeV kết hợp thuốc ức chế miễn dịch cyclophosphamide trong điều trị đa u tủy... cho kết quả khả quan, kéo dài thời gian sống và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.
Tóm lại, liệu pháp OLV sử dụng MeV sống, giảm độc lực hoặc MeV biến đổi gene là một chiến lược điều trị ung thư có tiềm năng. Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng vẫn còn ở giai đoạn đầu và hiệu quả bị giới hạn bởi khả năng miễn dịch chống virut sởi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy MeV nhạy cảm với nhiều loại tế bào ung thư, sự an toàn cao và tiến bộ trong công nghệ sinh học làm cho MeV trở thành một ứng cử viên rất tốt cho phát triển chiến lược điều trị ung thư hiện nay.