Một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá 44 loại vaccine nhắm vào 24 tác nhân gây bệnh (gồm 19 loại vi khuẩn, 4 loại virus và một loại ký sinh trùng), phát hiện ra rằng, vaccine có thể giảm 22% số lượng thuốc kháng sinh cần thiết hoặc 2,5 tỷ liều dùng hàng ngày được xác định trên toàn cầu mỗi năm. Điều này hỗ trợ các nỗ lực trên toàn thế giới nhằm giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR).
AMR xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc kháng khuẩn, khiến mọi người ốm hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh, tử vong và lây lan các bệnh nhiễm trùng khó điều trị.
AMR chủ yếu là do sử dụng sai, lạm dụng thuốc kháng khuẩn, nhưng đồng thời, nhiều người trên thế giới không có quyền tiếp cận với thuốc kháng khuẩn thiết yếu. Mỗi năm, gần 5 triệu ca tử vong có liên quan đến AMR trên toàn cầu.
Một báo cáo mở rộng nghiên cứu của WHO được công bố trên BMJ Global Health năm ngoái ước tính rằng, các loại vaccine đã được sử dụng chống lại phế cầu khuẩn viêm phổi, Haemophilus influenzae loại B (Hib, một loại vi khuẩn gây viêm phổi và viêm màng não) và thương hàn có thể ngăn ngừa tới 106.000 ca tử vong liên quan đến AMR mỗi năm; có thể ngăn ngừa thêm 543.000 ca tử vong liên quan đến AMR hàng năm khi các loại vaccine mới cho bệnh lao (TB) và Klebsiella pneumoniae được phát triển và triển khai trên toàn cầu.
Vaccine là chìa khóa để ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh, đồng thời làm chậm sự xuất hiện, lây lan của các tác nhân gây bệnh kháng thuốc.
Vaccine là chìa khóa để ngăn ngừa nhiễm trùng
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: "Việc giải quyết tình trạng kháng thuốc bắt đầu bằng việc ngăn ngừa nhiễm trùng và vaccine là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để thực hiện điều này. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc tăng cường tiếp cận với các loại vaccine hiện có, phát triển các loại vaccine mới cho các bệnh nghiêm trọng, như bệnh lao, là rất quan trọng để cứu sống và đảo ngược tình trạng AMR".
Những người được tiêm vaccine ít bị nhiễm trùng hơn và được bảo vệ khỏi các biến chứng tiềm ẩn từ các bệnh nhiễm trùng thứ cấp, có thể cần dùng thuốc kháng khuẩn hoặc phải nhập viện.
Báo cáo đã phân tích tác động của các loại vaccine đã được cấp phép cũng như các loại vaccine trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Hàng năm, vaccine giúp phòng chống:
- Streptococcus pneumoniae: Có thể tiết kiệm được 33 triệu liều kháng sinh nếu mục tiêu của Chương trình Tiêm chủng 2030 là tiêm vaccine cho 90% trẻ em và người lớn tuổi trên thế giới;
- Bệnh thương hàn: Có thể tiết kiệm được 45 triệu liều kháng sinh nếu việc triển khai chúng được đẩy nhanh ở các quốc gia có gánh nặng bệnh tật cao;
- Bệnh sốt rét do Plasmodium falciparum gây ra: Có thể tiết kiệm tới 25 triệu liều kháng sinh, thường bị sử dụng sai mục đích để điều trị bệnh sốt rét;
- Bệnh lao: Có thể có tác động lớn nhất khi chúng được phát triển, giúp tiết kiệm từ 1,2 đến 1,9 tỷ liều kháng sinh - một phần đáng kể trong số 11,3 tỷ liều được sử dụng hàng năm để chống lại các bệnh được đề cập trong báo cáo này.
Vaccine có thể làm giảm đáng kể chi phí liên quan đến kháng thuốc kháng sinh
Trên toàn cầu, chi phí điều trị bệnh viện cho các tác nhân gây bệnh kháng thuốc được đánh giá trong báo cáo ước tính là 730 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Nếu có thể triển khai vaccine chống lại tất cả các tác nhân gây bệnh được đánh giá, chúng có thể tiết kiệm được một phần ba chi phí bệnh viện liên quan đến kháng thuốc này.
Do đó, cần có một cách tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm được áp dụng trên toàn bộ hệ thống y tế để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng. Cách tiếp cận này coi tiêm chủng là cốt lõi để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt có tác động khi kết hợp với các biện pháp can thiệp khác.
Tại Phiên họp cấp cao lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về AMR vào cuối tháng 9 mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua một Tuyên bố chính trị cam kết thực hiện một loạt các mục tiêu và hành động rõ ràng, bao gồm giảm 10% trong số 4,95 triệu ca tử vong ở người liên quan đến kháng thuốc kháng sinh do vi khuẩn hằng năm vào năm 2030.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các khía cạnh bao gồm: Tầm quan trọng của việc tiếp cận vaccine, thuốc men, phương pháp điều trị và chẩn đoán, đồng thời kêu gọi các ưu đãi, cơ chế tài chính để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới và phát triển y tế đa ngành trong việc giải quyết kháng thuốc kháng sinh.