Trước đây, các biện pháp điều trị loét tiêu hóa và những chứng bệnh liên quan bị hạn chế, chỉ tập trung ở các chất kháng acid, kháng muscarin, kháng acetylcholin. Năm 1977, cimetidin - chất đối kháng thụ thể H2 đầu tiên đã được cấp phép sử dụng. Sự phát hiện về vi khuẩn Helicobacter pylori ở vùng ổ loét niêm mạc, cùng với sự ra đời của nhiều thuốc mới đã làm thay đổi đáng kể phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loét tiêu hóa.
Các loại thuốc đang được sử dụng
Các chất kháng acid như hydroxid magiê và carbonat calci có tác dụng trung hòa tạm thời acid dạ dày. Đây là những chất kháng acid phổ biến nhất được dùng điều trị bệnh loét tiêu hóa. Do thời gian tác dụng ngắn và nhiều thuốc khác hiệu quả hơn nên các chất kháng acid hiện ít được dùng điều trị loét tiêu hóa cấp tính. Tuy nhiên, chất kháng acid thường được dùng làm giảm ngay lập tức các triệu chứng do rối loạn tiêu hóa hoặc ợ nóng. Các chất kháng muscarin acetylcholin (như propanthelin) hiện nay rất ít khi sử dụng.
Các chất kháng H2 và ức chế bơm proton (PPI) đều làm giảm tiết acid dạ dày, mặc dù theo cơ chế riêng. Các PPI như lansoprazole, omeprazole, pantoprazole và rabeprazole cực kỳ mạnh với thời gian tác dụng chống tiết acid khoảng 24h sau liều duy nhất. Chỉ số pH dạ dày đạt được khi dùng PPI cao hơn khi dùng chất chẹn H2.
Các thuốc chống loét khác tác dụng lên bề mặt niêm mạc. Những thuốc này gồm sucralfat, tạo ra lớp che phủ bảo vệ bằng cách gắn với các protein niêm mạc tiếp xúc và misoprostol - một prostagandin làm tǎng sản sinh niêm dịch dạ dày và bicarbonat. Misoprostol cũng có tác dụng chống tiết acid. Sucralfat ban đầu được phê chuẩn để điều trị loét tá tràng cấp và sau đó được cấp phép dùng làm liệu pháp duy trì dài ngày để phòng ngừa tái phát. Sucralfat không làm giảm đau do loét. Thuốc cũng không có tác dụng với H.pylori và không nên dùng trong các phác đồ phối hợp điều trị loại nhiễm khuẩn này.
Misoprostol chưa được cấp phép điều trị loét tá tràng, mặc dù các số liệu cho thấy misoprostol ưu việt hơn placebo trong điều trị chứng bệnh này. Một số người tin rằng không có lý do gì để dùng misoprostol thay cho liệu pháp giảm tiết acid cổ điển trong bệnh loét tiêu hóa hoạt động. Misoprostol không được dùng phổ biến để điều trị loét tiêu hóa.
Cuối cùng, các kháng sinh như amoxicillin, clarithromycin, tetracyclin và metronidazole cùng với muối bismuth được dùng trong nhiều phối hợp khác nhau để diệt H.pylori.
Ổ loét ở dạ dày. |
Nguyên nhân và chỉ định
điều trị
Nguyên nhân hay gặp nhất gây bệnh loét mạn tính đường tiêu hóa là sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không đúng chỉ định và nhiễm Helicobacter pylori. Các nguyên nhân khác gồm một số bệnh tǎng tiết dạ dày hiếm gặp và những nguyên nhân ít gặp hơn như liệu pháp tia xạ, hóa chất, nghiện amphetamin hoặc cocain.
Phát hiện về sự cư trú của H.pylori ở vùng ổ loét niêm mạc đã làm thay đổi đáng kể phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loét tiêu hóa. Các phác đồ thích hợp được đề xuất để điều trị loét do H.pylori đã được sửa đổi. Người ta đã biết rằng điều trị bằng một thuốc duy nhất - dù thuốc đó là chất ức chế bơm acid hay kháng sinh thì đều chưa đủ. Việc sử dụng một PPI phối hợp với 2 kháng sinh hiện đem lại tỉ lệ tiệt trừ H.pylori cao nhất. Có nhiều phác đồ thay thế có thể dùng trong trường hợp điều trị thất bại hoặc không dung nạp thuốc.
Vai trò của việc dùng các phác đồ kháng sinh tiệt trừ H.pylori ở những bệnh nhân rối loạn tiêu hóa không loét vẫn còn đang tranh cãi, mặc dù một số chuyên gia cho rằng việc tiệt trừ là hữu ích. Không khuyến nghị tiệt trừ H.pylori ở những bệnh nhân không có triệu chứng theo hướng dẫn hiện tại.
Khuyến nghị hiện nay khẳng định rằng liệu pháp thuốc dự phòng là không cần thiết cho tất cả các bệnh nhân dùng NSAID. Các biện pháp phòng ngừa loét do NSAID nên tiến hành ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng ở đường tiêu hóa (người già, người bị bệnh mạn tính cần phải dùng NSAID).
Tác dụng không mong muốn
Mặc dù các thuốc chống loét nói chung đều được dung nạp khá tốt, nhưng cần ghi nhớ một số phản ứng bất lợi có thể xảy ra.
Tác dụng phụ hay gặp nhất của các chất kháng acid là ở đường tiêu hóa với các biểu hiện thường gặp là đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Với các chế phẩm có calci carbonat gây ra hiện tượng phản hồi ngược, dẫn tới tăng tiết acid dạ dày.
Các thuốc ức chế thụ cảm thể H2 với tác dụng phụ cần quan tâm nhất là có thể gây suy giảm tình dục, gây chứng vú to ở đàn ông; ngoài ra có thể gặp các biểu hiện khác như đau đầu, độc với tủy xương, viêm gan, viêm tụy.
Các chất ức chế bơm proton PPI được dung nạp tốt. Tác dụng phụ khi dùng ngắn ngày chủ yếu là đau đầu, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón.
Misoprostol có thể làm tǎng nặng bệnh viêm ruột, những biểu hiện hay gặp gồm đi ngoài phân lỏng, co cứng bụng và buồn nôn. Thuốc có thể gây sảy thai ở phụ nữ có thai. Tác dụng phụ hay gặp nhất của sucralfat là táo bón.
Nhìn chung, các thuốc điều trị H.pylori đều được dung nạp tốt, tuy nhiên, có tới 30% số bệnh nhân bị những tác dụng phụ nhẹ tùy theo thuốc được chỉ định.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng