Những thuốc nào có thể sử dụng để phòng hoặc điều trị cúm A và sử dụng chúng như thế nào?
Những năm 80 của thế kỷ XX, nhân loại chỉ có amantadin và thập kỷ sau đó là rimantadin để chống lại virut cúm. Các thuốc này tác động bằng cách chẹn các kênh ion tại M2 của virut làm pH không thay đổi được, do đó virut không cởi bỏ cũng như không tiếp nối được màng. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ tác động đến virut cúm A mà không có tác dụng với virut cúm B và C.
Ribavirin là thuốc có hoạt phổ rộng, tác dụng đến nhiều loại virut có lõi ADN hay ARN. Thuốc có hiệu quả đặc biệt với virut hợp bào đường hô hấp (RSV). Các tài liệu có tính thương mại cho rằng ribavirin rất có hiệu quả trong điều trị cả cúm A và B. Tuy nhiên, thực chất tác dụng của ribavirin với virut cúm chỉ ở mức hạn chế.
Hiện nay oseltamivir là thuốc duy nhất đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng để phòng và điều trị virut cúm A và B. Về cơ chế tác dụng, oseltamivir ức chế enzym neuraminidase là enzym có vai trò quan trọng đến quá trình giải phóng các phần virut mới tạo thành từ các tế bào bị nhiễm và quá trình lan tràn lây nhiễm virut. Tác dụng ức chế neuraminidase của oseltamivir đối với virut cúm A và B mạnh hơn amantadin khoảng 1.000 lần, do đó thuốc có tác dụng phòng và điều trị hiệu quả cả cúm A và B. Oseltamivir không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch dịch thể. Đáp ứng sinh kháng thể với các vaccin bất hoạt không bị ảnh hưởng khi dùng oseltamivir. Về hấp thu và chuyển hoá, oseltamivir hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hoá. Thuốc chuyển hóa tại gan nhờ enzym esterase thành chất có hoạt tính (oseltamivir carboxylate) không chuyển hoá tiếp mà đào thải nguyên vẹn qua nước tiểu. Oseltamivir có thể tích phân bố (Vd) khoảng 23 lít. Liên kết protein huyết tương thấp (3% chất chuyển hoá 42% tiền chất).
Về điều trị: thuốc phải được bắt đầu sử dụng sớm (trong vòng 48 giờ) sau khi khởi phát triệu chứng bệnh. Không dùng cho người suy thận giai đoạn cuối đang lọc máu chu kỳ. Không cần điều chỉnh liều với người suy gan và người già. Để phòng bệnh, thuốc phải được sử dụng sớm (trong vòng 48 giờ) sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Do oseltamivir có thời gian bán thải (T1/2) khoảng 1-3 giờ, sau 24 giờ thuốc đã bị thải hoàn toàn, do đó để phòng bệnh phải uống thuốc hàng ngày.
Các tác dụng phụ thường thấy: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, ho, đau đầu, mệt mỏi (các tác dụng không mong muốn này rất khó phân biệt với các triệu chứng của bệnh cúm). Các tác dụng phụ hiếm gặp hơn bao gồm: đau ngực không ổn định, thiếu máu, viêm kết tràng giả mạc, viêm phổi, sốt, áp-xe quanh amidan.
Về tương tác thuốc: oseltamivir và chất chuyển hóa của nó liên kết thấp với protein huyết tương. Mặt khác, do không bị chuyển hóa bởi cytocrome P450 và cũng không ức chế cytocrome P450 của gan, vì thế ít gây tương tác với các thuốc khác. Sử dụng đồng thời với probenecid làm tăng nồng độ của oseltamivir khoảng 2 lần, đặc điểm này đang mở ra các ứng dụng trong điều trị. Không có tương tác có ý nghĩa và không làm thay đổi dữ liệu về các phản ứng phụ khi dùng oseltamivir với các thuốc và nhóm thuốc sau đây: paracetamol, ức chế men chuyển, lợi tiểu thiazid, các beta lactam, macrolid, cyclin, kháng H2, thuốc chẹn b, theophylin, thuốc cường giao cảm, corticoid và NSAID. Oseltamivir không gây quái thai trên động vật nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng cho phụ nữ có thai. Oseltamivir được tiết qua sữa do đó phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng cho phụ nữ cho con bú.
Ngoài các thuốc trên, một số thuốc khác có thể dùng trong điều trị cúm như zanamivir (đây cũng là thuốc ức chế neuraminidase tương tự oseltamivir nhưng chưa được WHO khuyến cáo sử dụng). Một số tác nhân chống virut khác: valaciclovir, famciclovir, penciclovir, ganciclovir) chỉ có tác dụng với các virut herpes (HSV, HZV, HHV, CMV...) và hoàn toàn không có tác dụng với virut cúm.
TS. Trần Nhân Thắng(Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)