1. Tác dụng của thuốc nhỏ tai
Thuốc nhỏ tai được sử dụng rất rộng rãi và cũng là thuốc đầu tay được chỉ định trong điều trị viêm tai giữa ở cả người lớn và trẻ em.
Thuốc nhỏ tai được chia làm 2 loại, khi sử dụng phải dựa vào trạng thái của màng nhĩ:
- Thuốc nhỏ tai dùng khi màng nhĩ chưa bị thủng: Đây là nhóm thuốc chủ yếu dùng để điều trị bệnh viêm tai với các thành phần kháng sinh kết hợp kháng viêm có tác dụng điều trị tại chỗ. Thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và thường được chỉ định trong trường hợp bị viêm tai giữa cấp giai đoạn sung huyết, viêm tai bọng nước…
- Thuốc nhỏ tai dùng khi màng nhĩ bị thủng: Là nhóm thuốc nhỏ tai chính dùng để điều trị bệnh viêm tai giữa. Nhóm thuốc này được bào chế bằng những kháng sinh có tính an toàn cao, ít gây độc tính trên tai.
Nhìn chung, thuốc nhỏ tai phổ biến hiện nay bao gồm:
1.1. Thuốc nhỏ tai giảm đau chứa chất gây tê
Thuốc nhỏ tai có chứa chất gây tê như lidocaine, benzocaine… Khi nhỏ thuốc này vào tai sau 30 phút triệu chứng đau tai sẽ giảm. Các thuốc này chỉ dùng trong giai đoạn đầu của viêm tai giữa (giai đoạn sưng đau: Màng nhĩ phồng căng, sung huyết). Khi màng nhĩ đã thủng, mủ chảy ra thì không được dùng.
Các chế phẩm nhỏ tai có chứa chất gây tê này cũng không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì nguy cơ tác dụng phụ gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, đối với trẻ bị viêm tai giữa, bị đau, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ ngủ thì liệu pháp giảm đau nên cho trẻ uống ibuprofen hoặc acetaminophen thì tốt hơn và hiệu quả kéo dài hơn trong điều trị đau do viêm tai giữa cấp.
1.2. Thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh
Loại thuốc chứa kháng sinh như: Ofloxacin, ciprofloxacin, chloramphenicol, tobramycin… cũng thường được sử dụng trong điều trị viêm tai giữa. Tuy nhiên, nếu viêm tai giữa cấp chưa thủng màng thì việc nhỏ tai bằng kháng sinh không mang lại tác dụng.
Đối với viêm tai giữa cấp đang chảy mủ tai, việc nhỏ kháng sinh vào tai cần được cân nhắc trước khi chỉ định.
2. Thuốc nhỏ tai có tác dụng phụ nào?
Nhìn chung, tất cả các loại thuốc ngoài tác dụng chính đều có những tác dụng phụ. Do đó việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đều cần được bác sĩ khám, tư vấn và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ cụ thể trên người bệnh rồi mới kê đơn. Việc sử dụng thuốc đúng theo chỉ định sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn và giảm tác dụng phụ.
- Tác dụng phụ của thuốc nhỏ tai đầu tiên đến từ thói quen dùng thuốc trước khi đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn. Trong thực tế lâm sàng, rất nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc hoặc mua thuốc theo hướng dẫn của bệnh nhân từng bị mắc bệnh… và dùng thuốc sai. Chỉ đến khi tình trạng bệnh không đỡ hoặc có xu hướng nặng hơn mới đi khám bệnh.
- Thứ hai, thuốc nhỏ tai điều trị viêm tai giữa cũng có các tác dụng ngoại ý, kể cả khi thuốc được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các tác dụng phụ thường gặp là:
- Đau rát trong tai.
- Nổi mẩn, ngứa tai hoặc phát ban toàn thân.
- Chóng mặt, đau nhức đầu.
- Khó thở, sưng phù mặt.
Chính vì thế, bệnh nhân viêm tai giữa cần đi khám bệnh và cung cấp đầy đủ các thông tin về triệu chứng bệnh; các loại kháng sinh mình từng bị dị ứng… để bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp nhất. Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy các biểu hiện bất thường như trên, cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Ngoài ra, thuốc nhỏ tai còn có những giới hạn sử dụng với các trường hợp:
- Có thủng màng nhĩ.
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
- Trong trường hợp bị viêm tai do nhiễm virus herpes, viêm tai có nấm hoặc mủ dày.
- Giai đoạn nhiễm trùng tai nặng.
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
3. Cách sử dụng thuốc nhỏ tai an toàn
Để sử dụng thuốc nhỏ tai an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần:
- Rửa tay sạch với xà phòng trước khi nhỏ tai.
- Đứng hoặc ngồi nghiêng đầu sang một bên sao cho một bên tai cần nhỏ hướng lên trên, kéo nhẹ vành tai hướng ra sau và lên trên (với người lớn tự mình nhỏ thuốc).
Ở trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng về một bên, bộc lộ vùng tai bị viêm bằng cách kéo nhẹ vành tai ra sau và xuống dưới. Sau khi nhỏ thuốc xong, nhẹ nhàng kéo dái tai lên và xuống, lặp lại động tác vài lần để thuốc phân tán đều vào trong tai. Giữ đầu nghiêng khoảng 2-3 phút để thuốc ngấm đều.
- Nhỏ đủ số giọt quy định và đúng thời gian nhỏ thuốc.
- Nên kết hợp dùng thuốc nhỏ tai trị viêm tai giữa và vệ sinh tai hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Khi có những bất thường về tình trạng không dung nạp thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được đổi thuốc.
- Không dùng chung thuốc nhỏ tai với người khác.
- Giữ ống nhỏ tai sạch, không để đầu ống nhỏ chạm vào tai hay bất kì đồ vật nào.
- Thời gian điều trị bằng thuốc nhỏ tai không nên kéo dài quá 10 ngày.
4. Theo dõi sau khi dùng thuốc nhỏ tai
Do thuốc nhỏ tai có các tác dụng ngoại ý, nên người bệnh cần theo dõi các phản ứng của cơ thể sau khi nhỏ thuốc để kịp thời có hướng xử trí, đặc biệt là ở trẻ em. Ở người lần đầu sử dụng, khi có các dấu hiệu sau cần phải loại bỏ thuốc ngay và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ:
- Cảm giác nóng hoặc ngứa râm ran kéo dài trên 15 phút.
- Cảm thấy sưng ở trong tai, ù tai do không dung nạp với loại thuốc đang dùng: Cần nghiêng đầu về phía bên tai nhỏ thuốc rồi dùng bông/gạc sạch để thấm hết lượng thuốc thừa. Sau đó báo cho bác sĩ để được hướng dẫn đổi thuốc.
Đa số trường hợp, viêm tai giữa bắt đầu từ viêm mũi họng. Khi điều trị dứt điểm tình trạng viêm mũi họng thì tình trạng viêm tai cũng sẽ hết.
Ở trẻ em, việc điều trị viêm mũi họng tuy đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ của phụ huynh. Thậm chí chỉ bằng cách vệ sinh sạch sẽ mũi họng bằng nước muối biển, thường xuyên rửa tay, đồ chơi của bé… cũng đã tránh được tình trạng viêm mũi họng tái phát và ngăn ngừa tình trạng viêm tai giữa.
Mời độc giả xem thêm video:
Điều trị COVID-19 kéo dài: Nghiên cứu liệu pháp tăng cường miễn dịch, cách tiếp cận mới.