Sử dụng thuốc mới trị lao kháng thuốc có gì đặc biệt?

31-12-2014 07:07 | Dược
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới vừa tổ chức Hội thảo quốc tế liên khu vực tại Hà Nội về chuẩn bị áp dụng thuốc điều trị lao siêu kháng thuốc và triển khai cảnh giác dược cho các thuốc chống lao mới ở cấp quốc gia.

Tổ chức Y tế Thế giới vừa tổ chức Hội thảo quốc tế liên khu vực tại Hà Nội về chuẩn bị áp dụng thuốc điều trị lao siêu kháng thuốc và triển khai cảnh giác dược cho các thuốc chống lao mới ở cấp quốc gia. Hội nghị đã thu hút gần 70 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 9 nước là Bangladesh, Belarus, Philippines, Indonesia, Nam Phi, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Việt Nam và chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như WHO, CDC, KNCV, MSH, USAID, Hiệp hội chống lao và bệnh phổi quốc tế, Trung tâm cảnh giác dược thế giới.

Tại hội nghị, Việt Nam được đánh giá là nước có hoạt động cảnh giác dược phát triển với việc triển khai đồng thời nhiều phương pháp theo dõi cảnh giác dược áp dụng tại Chương trình Chống lao và có thể đảm bảo được việc theo dõi, phát hiện, đánh giá, xử trí và phòng ngừa các biến cố bất lợi xảy ra khi triển khai sử dụng một thuốc mới, một phác đồ điều trị mới.

Phác đồ điều trị mới mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.

Việc áp dụng thuốc và phác đồ điều trị lao mới mở ra một cơ hội nhằm cải thiện kết quả điều trị, tăng cơ hội sống sót cho nhiều người bệnh lao kháng thuốc mà với các thuốc lao thông thường gần như thất bại, đồng thời là cơ hội để tăng cường quản lý thuốc chống lao nói chung bao gồm các thuốc lao hiện tại đang còn tác dụng điều trị với nhiều bệnh nhân, dự phòng phát sinh các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.

Chấp thuận có điều kiện là chấp thuận mà nơi triển khai cần phải cung cấp dữ liệu về hiệu quả/độ an toàn của thuốc bedaquiline. Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn đang cân nhắc từ “điều kiện” với mỗi một năm, yêu cầu phải đệ trình những báo cáo mới lên Ủy ban Các sản phẩm thuốc sử dụng cho người (CHMP) thuộc EMA bao gồm tình hình cập nhật về các giao ước đặc biệt. Sau đó, thuốc sẽ được chuyển đến trạng thái được chấp thuận toàn bộ sau khi xem xét được 5 năm.

Điều trị lao nói chung và đặc biệt là điều trị bằng thuốc mới nói riêng yêu cầu triển khai một hệ thống cảnh giác dược cho Chương trình Chống lao phối hợp và lồng ghép với hệ thống cảnh giác dược quốc gia. Vì vậy, đó cũng là cơ hội để xây dựng và phát triển hệ thống cảnh giác dược trên toàn quốc theo hướng hiện đại hóa và toàn cầu hóa, tạo điều kiện trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị triển khai cũng như giữa các quốc gia.

Từ phía 9 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam, các đại biểu đã thu nhận được những thông tin rõ ràng, không còn mơ hồ, sợ hãi khi sử dụng các thuốc mới trong điều kiện đặc biệt cho đúng đối tượng với sự theo dõi chặt chẽ và dự phòng các biến cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, đã có những số liệu ban đầu cho thấy tính an toàn của thuốc bedaquiline và delamanid là một ví dụ khả quan. Bằng cách này, bệnh nhân của chúng ta được tiếp cận với phác đồ mới sớm nhất có thể và đó là cơ hội sống của con người.

Việc áp dụng triển khai thuốc mới và xây dựng hệ thống cảnh giác dược trong điều trị bệnh lao là thể hiện sự phối hợp và lồng ghép đòi hỏi tinh thần học hỏi, sáng tạo, hợp tác giữa chương trình chống lao với các đối tác. Các bên đều thu được những lợi ích với hợp tác thành công và đặc biệt lợi ích quan trọng nhất chính là phục vụ người bệnh tốt hơn.

Việc bắt đầu triển khai ở mỗi quốc gia có thể khác nhau tùy thuộc vào tình hình hiện tại của chương trình và mức độ phát triển của hệ thống cảnh giác dược. Ngay cả những nước chưa có cảnh giác dược trong chương trình chống lao thì thực chất cảnh giác dược đã thể hiện trong quản lý lao đa kháng - các tập huấn, biểu mẫu theo dõi và xử trí và báo cáo tác dụng phụ của thuốc cũng chính là cảnh giác dược. Hội thảo đã mang lại những thông tin đầy đủ cho mỗi quốc gia để quyết định đúng đắn việc sử dụng thuốc mới như thế nào. Đồng thời, các quốc gia cùng đồng thuận chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để có một bước đi hiệu quả trong việc sử dụng các thuốc mới trong đó bắt đầu là bedaquiline, delamanid.

Chúng ta, các thầy thuốc, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách có thể đợi, nhưng người bệnh không thể chờ đợi khi mà họ đang trên đường tử vong vì không có thuốc chữa. Hiện nay, Việt Nam ước tính có khoảng 500 - 550 bệnh nhân lao không có phác đồ điều trị với nguy cơ tử vong rất cao. Việc tiếp cận một thuốc chống lao mới với phác đồ điều trị mới mang đến niềm hi vọng và cơ hội sống còn cho họ, đồng thời làm giảm đi nguy cơ lây truyền chủng vi khuẩn lao rất nguy hiểm cho cộng đồng. Với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác cùng kinh nghiệm triển khai của các quốc gia đã cho thấy tính khả thi và thực tiễn của việc áp dụng triển khai này tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung

 

 

 


Ý kiến của bạn