Hà Nội

Sử dụng thuốc lá “cướp” đi mạng sống của 40.000 người Việt mỗi năm

31-05-2018 20:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

“Trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá”- Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2018) do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 31/5.

Người Việt chi 31 nghìn tỷ đồng mỗi năm để mua thuốc lá

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ mít tinh Ngày Thế giới không thuốc lá. Ảnh Dương Ngọc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những yêu cầu cấp thiết của y tế công cộng hiện nay là bảo vệ cộng đồng khỏi những nguy cơ về sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra. Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội thể hiện qua điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá một năm là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ) trong số 25 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 24 nghìn tỷ đồng/năm.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: so với năm 2010,  năm 2016 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị năm giảm 6,5%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt như tại nơi làm việc giảm 13,3%; tại nhà giảm 13,2%; Trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phòng chống tác hại thuốc lá gặp nhiều khó khăn bởi thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Nếu người hút thuốc không có nhận thức và không có quyết tâm cao thì việc bỏ thuốc thực sự là vấn đề khó. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị còn chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của luật; vẫn còn tình trạng hút thuốc tại nơi có quy định cấm…

WHO khuyến cáo Việt Nam tăng thuế từ 2000- 5.000 đồng 1 bao thuốc lá

Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá tại nước ta là hơn 47%, đứng thứ 15 trên thế giới. Đặc biệt vẫn còn hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hút thuốc thụ động. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đạt như mong muốn.

Sinh viên các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội nhảy hưởng ứng Ngày thế giới Không thuốc lá tại Bộ Y tế.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park chỉ ra thực tế, thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam đều thấp so với các nước. Giá một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Theo dữ liệu của WHO, giá này nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Trong khi đó, thuế thuốc lá khi tính trên giá bán lẻ chỉ chiếm hơn 35%, rất thấp so với trung bình thế giới là 56%; thấp hơn so với chuẩn của WHO khuyến cáo là 70%. Vì thế, ông đề nghị cần tăng thuế thuốc lá mạnh hơn nữa.

Để đạt được mục tiêu giảm giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới từ 47% xuống 39% vào 2020; Việt Nam cần áp mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng một bao và tối ưu là 5.000 đồng.

Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thuốc lá, Quỹ Phòng Tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 2.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3%; giúp tránh được 300.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 6.300 tỷ một năm.

Phương án 2: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 5.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%; giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 10.700 tỷ một năm. Trong khi đó, nếu chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 70% như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc lá 10.000 đồng cũng chỉ tăng 300 đồng.

Cảnh báo: 90% người thử hút sẽ trở thành nghiện thuốc lá

Cũng trong ngày 31/5, Bộ Y tế và BV Bạch Mai đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không khói thuốc.

Bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Kidong Park- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng tham gia phát động diễu hành của sinh viên hưởng ứng Ngày Thế giới Không thuốc lá tại Bộ Y tế

Tại đây, TS Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, nghiên cứu của của BV về nhóm trẻ phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại gia đình của bệnh nhi từ 0 - 5 tuổi đến khám tại khoa Nhi, BV Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ bệnh nhi phơi nhiễm với khói thuốc lá chiếm khoảng 45%. Đây chính là căn nguyên dẫn đến các em bị mắc các bệnh đường hô hấp.. Rồi nghiên cứu về thực trạng tiếp xúc với khói thuốc lá của phụ nữ mang thai đến khám tại khoa Phụ sản, BV Bạch Mai, cho thấy 93% số sản phụ thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá.

Trong khi đó, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, phụ nữ hút thuốc sẽ làm giảm 13% khả năng thụ thai và làm tăng 50% nguy cơ sảy thai và thai chết lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm khói thuốc lá có nguy cơ đột tử cao gấp 2 đến 4 lần so với trẻ không tiếp xúc với khói thuốc.

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, những người từng thử hút thuốc lá thì có tới 90% sẽ trở thành nghiện thuốc lá. “Đó là bài học cho thấy, không nên thử, không được thử thuốc lá. Bởi vì đã thử là tỷ lệ nghiện rất cao. Ban đầu là nghiện nhẹ, sau đó càng ngày càng nặng với các mức độ khác nhau. Nghiện thuốc là là một bệnh tâm thần thực thể. Đặc tính của nghiện thuốc lá là xảy ra rất nhanh và khi đã nghiện rồi thì việc cai nhiện hết sức khó khăn”- PGS. TS Vũ Văn Giáp nói.

Để huy động sự tham gia của cộng đồng, WHO đã lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày Thế giới Không thuốc lá. Năm nay, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch, 30% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc, 12% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, 20-30% tỷ lệ tử vong do đột quỵ có nguyên nhân từ việc hút thuốc thụ động.


Thái Bình
Ý kiến của bạn