Sử dụng thuốc ho ở trẻ em như thế nào mà không lạm dụng khi nồm ẩm?

09-02-2023 14:36 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi trẻ bị ho, nhiều bậc phụ huynh đã vội dùng thuốc ho cho trẻ. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng thuốc ho có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với trẻ em. Vậy sử dụng thuốc ho như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả?

‏Thời tiết nồm ẩm không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nói chung.

Độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc và các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Thêm nữa, nhiều loại hình thời tiết thay đổi liên tục trong ngày cũng khiến cơ thể khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh.‏

‏Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm này, đặc biệt là các bệnh liên quan tới đường hô hấp với triệu chứng điển hình là ho. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng tự ý cho trẻ dùng thuốc ho để dứt cơn ho.

Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm quá liều gây tử vong ở trẻ em dưới 2 tuổi. Vậy sử dụng thuốc ho như thế nào đảm bảo an toàn, hiệu quả, không lạm dụng thuốc?‏

‏1. Thuốc dùng điều trị ho là gì?‏

‏Thuốc ho được sử dụng với mục đích là ngăn chặn ho (giảm ho) đối với ho khan gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hoặc giúp ho tăng lên để tống xuất đờm (chất nhầy) ra ngoài (thông qua phản xạ ho).

Các thuốc thường dùng trong điều trị ho gồm:

  • Thuốc giảm ho: Dextromethorphan (giảm ho), codein hoặc hydrocodone (thuốc giảm ho opioid). Không nên dùng thuốc giảm ho cho trẻ em dưới 2 tuổi, trừ khi có đơn của bác sĩ. ‏
  • Thuốc long đờm: Trẻ bị ho có đờm sau khi thăm khám bác sĩ có thể được chỉ định dùng thuốc long đờm (acetylcystein, bromhexin…) để làm đờm lỏng hơn, dễ dàng thoát từ phế quản ra ngoài.‏
  • ‏Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi không nên được sử dụng lâu hơn 7 ngày vì tình trạng tắc nghẽn có thể xảy ra.‏
  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin có thể được chỉ định cho trẻ trên 6 tháng dưới sự giám sát y tế. Quá liều ở trẻ em đã dẫn đến các vấn đề về hô hấp đe dọa tính mạng và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, tử vong.‏
photo-1675839092883

‏Không nên tự ý sử dụng thuốc ho cho trẻ em khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.‏

‏2. Rủi ro khi dùng thuốc ho‏

‏Một trong những rủi ro lớn nhất khi dùng thuốc ho cho trẻ em là nguy cơ vô tình dùng quá liều. Quá liều có thể xảy ra do không đọc nhãn rõ ràng và sử dụng liều lượng không chính xác, cũng như ngộ độc do sử dụng nhiều nhãn hiệu thuốc ho cùng lúc mà có chứa cùng hoạt chất.‏

‏‏Đối với trẻ từ 4-6 tuổi bị ho, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Hầu hết các thuốc giảm ho thường dùng cho trẻ em hiện nay chứa hoạt chất dextromethorphan. Do đó, nếu không cẩn thận, việc sử dụng nhiều loại thuốc kết hợp có thể dẫn đến quá liều. ‏

‏Lưu ý, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành khuyến cáo KHÔNG tự ý cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc trị ho và cảm lạnh bán trên thị trường mà không có đơn của bác sĩ. Báo cáo cho thấy, không có lợi ích từ việc cho trẻ uống thuốc ho, ngược lại một vài trường hợp có hại từ một số chất trong thuốc giảm ho.‏

photo-1675839096574

‏Một trong những rủi ro lớn nhất khi dùng thuốc ho cho trẻ là nguy cơ vô tình dùng quá liều. ‏

‏3. Lưu ý khi sử dụng thuốc ho ‏

‏Thuốc ho có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu dùng không đúng cách và đúng liều. Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề sau:‏

  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước và nghỉ ngơi để giảm ho. Thuốc ho ở trẻ em chỉ nên dùng khi trẻ ho khan, ho do kích ứng.... khi trẻ bị ho nhiều, mất sức, thì mới cho uống thuốc ho để làm dịu cơn ho và cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. ‏
  • ‏Thuốc long đờm nên dùng khi trẻ ho có đờm hoặc đờm quá đặc không khạc ra được. Tránh dùng cùng lúc thuốc long đờm với thuốc giảm ho.‏
  • ‏Thông báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ gặp bất kỳ tác dụng phụ nào nghi ngờ có liên quan đến thuốc, ví dụ như buồn ngủ bất thường, chướng bụng, bí tiểu…‏
  • ‏Báo ngay cho bác sĩ hoặc cho trẻ tái khám nếu triệu chứng không cải thiện sau 2-3 ngày hoặc mắc kèm sốt cao kéo dài, thở khò khè, thở dốc khó thở, mất nước, không thể ăn uống…
Bác sĩ y học cổ truyền chỉ cách ứng phó với thời tiết nồm ẩmBác sĩ y học cổ truyền chỉ cách ứng phó với thời tiết nồm ẩm

SKĐS - Nồm ẩm là một kiểu thời tiết của Việt Nam, miền Bắc hay gặp. Không khí nồm ẩm gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và tác động xấu tới sức khỏe con người. Vậy chúng ta nên ứng phó với tiết trời nồm ẩm thế nào?

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Các bệnh hay gặp khi nồm ẩm, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa. Video: D.Hải


DS Ngô Thị Minh Tâm
Ý kiến của bạn