Sử dụng thuốc hạ sốt an toàn khi bà bầu mắc sốt xuất huyết

08-05-2022 08:57 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Việc sử dụng thuốc hạ sốt ở phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh những bất lợi có thể xảy ra.

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòngSốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng

SKĐS - Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt virus thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.

1. Mối nguy khi phụ nữ mang thai sốt xuất huyết

Thời điểm chuyển giao giữa các mùa trong năm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, trong đó có sốt xuất huyết. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm trên cả phụ nữ mang thai cũng như thai nhi, chính vì vậy, cần nắm những kiến thức về cách chăm sóc sản phụ mắc sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng do virus lây lan qua vết đốt của muỗi thường gặp nhất ở người. Bệnh có thể trở thành mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trên phụ nữ có thai sinh sống ở các đô thị tại vùng khí hậu nhiệt đới do mẹ có thể truyền cho thai nhi. Một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thai chết lưu, sinh non, sảy thai, xuất huyết, tiền sản giật

photo-1651885801110

Sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm trên cả phụ nữ mang thai cũng như thai nhi.

2. Điều trị sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai

Hai triệu chứng chính của bệnh gây ảnh hưởng đến thai kỳ là sốt và xuất huyết. Tuy vậy, cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị cho bà bầu lại càng khó khăn khi bác sĩ phải cân nhắc sử dụng thuốc trên phụ nữ có thai do lo ngại các tác dụng phụ có thể gặp ở thai nhi.

Khi đang mang thai bị sốt xuất huyết hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt liên tục, đau đầu, đau bụng dữ dội, buồn nôn hay nôn thường xuyên, cơ thể mất nước… bà bầu cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai mà không hỏi ý kiến bác sĩ. 

Đặc biệt chú ý đến tình trạng sốt vì sốt có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Trong các trường hợp sốt xuất huyết vừa và nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng paracetamol để hạ sốt và giảm đau.

Trường hợp sốt dưới 38 độ C: Chưa cần dùng thuốc, có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ hạ sốt an toàn như chờm ấm, uống nhiều nước, mặc áo quần thoáng mát thoải mái, nghỉ ngơi nhiều.

Trường hợp sốt trên 38 độ C: cần sử dụng thuốc để hạ sốt. Các thuốc hạ sốt thường gặp trên thực tế bao gồm paracetamol, ibuprofen, aspirin...

Sử dụng thuốc hạ sốt ở phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết - Ảnh 3.

Sốt dưới 38 độ C thì chưa cần sử dụng thuốc để hạ sốt.

3. Làm thế nào sử dụng thuốc hạ sốt an toàn?

3.1. Dùng paracetamol khi mắc sốt xuất huyết thế nào?

Paracetamol được xem là thuốc đầu tay trong kiểm soát cơn sốt ở phụ nữ mang thai. Paracetamol là thuốc an toàn nhất để hạ sốt cho bà bầu và trẻ nhỏ ở liều điều trị, không có tác động gây nghiện như opioid, cũng không gây ức chế đông máu và không có tác dụng phụ trên dạ dày như aspirin. Thuốc tương đối an toàn, không gây dị tật thai nhi, không gây sẩy thai trong 3 tháng đầu, không dẫn tới đẻ non trong 3 tháng cuối.

Tuy nhiên, tác dụng phụ gây tổn thương gan khi sử dụng quá liều của thuốc thực sự đáng lo ngại. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra mối lo ngại về việc những trẻ có mẹ sử dụng paracetamol trong thai kỳ và nguy cơ phát triển các rối loạn hành vi và rối loạn tăng động thái quá như thiếu chú ý, hiếu động thái quá (hội chứng tâm thần xuất hiện trong thời thơ ấu) cao hơn so với những đứa trẻ có mẹ không sử dụng thuốc giảm đau trong thai kỳ. Chính vì vậy, các chuyên gia kêu gọi phụ nữ mang thai nên dùng liều paracetamol thấp nhất có thể và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.

Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Đặc biệt chú ý đến tình trạng sốt vì sốt có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Trong các trường hợp sốt xuất huyết vừa và nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng paracetamol để hạ sốt và giảm đau.

3.2. Aspirin

Mặc dù aspirin có tác dụng hạ sốt và giảm đau hiệu quả, nhưng thuốc không được khuyến cáo sử dụng trong sốt xuất huyết do thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng thêm.

Bên cạnh đó, thuốc cũng có khá nhiều nhược điểm trên phụ nữ có thai như có thể gây sẩy thai trong 3 tháng đầu tiên. Thuốc không gây ra dị tật thai nhi nhưng lại có khả năng gây ra chứng đóng sớm ống động mạch ở trẻ em ngay từ thời điểm trước khi sinh, gây viêm loét dạ dày - tá tràng nên không thích hợp cho bà mẹ có tiền sử viêm loét trước đó.

3.3. Ibuprofen

Thuốc thuộc nhóm NSAID không được khuyên dùng để điều trị triệu chứng trong bệnh sốt xuất huyết do tăng nguy cơ chảy máu khó cầm. Ngoài ra, ibuprofen có liên quan mật thiết tới biến chứng sẩy thai trong 3 tháng đầu tiên, tăng nguy cơ gây đóng sớm ống động mạch ở bào thai.

Trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của các bà mẹ giảm sút đáng kể, chính vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh để mắc bệnh. 

Các bà mẹ cần chủ động diệt muỗi cũng như tránh bị muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và thai nhi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hộ chiếu vaccine: Không trục lợi, gây khó khăn cho người dân

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn