Cách súc họng khi dùng thuốc: bạn cần ngửa mặt lên, ép không khí thở ra đi qua dung dịch thuốc được giữ ở cuối khoang miệng ở khu vực họng càng thấp càng tốt. Cần lưu ý súc họng khác hẳn súc miệng. Khi súc miệng chỉ làm sạch khoang miệng bao gồm răng, lưỡi, lợi, niệm mạc miệng, không có tác dụng đến họng. Vì vậy, phải hướng dẫn hoặc đọc kỹ cách sử dụng để tận dụng thời gian thuốc lưu trong khoang họng mới có tác dụng sát khuẩn, virut, nấm tại chỗ. Trừ nước muối, còn các loại thuốc súc miệng - họng khác thường được sử dụng dưới 10 ngày. Việc dùng quá lâu sẽ gây mất cân bằng vi khuẩn, gây nấm, viêm loét họng... Thường súc họng trên hai lần một ngày, một hai ngụm đầu súc thật sạch họng, sau đó ngậm ngụm khác trong 5-10 phút rồi nhổ thuốc ra. Tuyệt đối không nuốt thuốc. Mỗi lần sử dụng 15-30ml dung dịch và súc cho đến hết. Tuy nhiên có một số sản phẩm cần sử dụng với thời gian ngắn hơn. Ví dụ, listerin chỉ ngậm trong miệng 30 giây ngay sau khi đánh răng. Các thuốc súc miệng - họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc.
Cần chú ý chọn thuốc súc họng phù hợp theo lứa tuổi được hướng dẫn trong hộp thuốc. Thuốc súc họng không được sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không nên sử dụng cùng một lúc nhiều loại thuốc súc họng có chất sát khuẩn nếu không có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc tai mũi họng. Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, như phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để kịp thời xử trí, có thể thay thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp khác. Đối với thuốc súc họng có iodin cần chú ý đến các bệnh về tuyến giáp.
DS. Nga Anh