SARS-CoV-2 thường gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường (sốt, ho, khó thở, đau cơ và mệt mỏi), được mô tả giống như cúm mùa, làm nhiễm trùng mũi xoang hay cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho (yếu tố dịch tễ -virus). Bệnh nặng sẽ dẫn đến viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và có thể gây tử vong.
Mặc dù triệu chứng ban đầu giống cảm lạnh, nhưng không có nghĩa bệnh do SARS-CoV-2 được dùng vị thuốc, bài thuốc chữa cảm lạnh.
Sự khác nhau giữa cảm lạnh, cúm mùa và bệnh COVID-19
Theo Đông y, nguyên nhân gây cảm lạnh do hàn tà thừa cơ phạm vào cơ thể gây thành chứng bệnh thương hàn và trúng hàn, không có yếu tố dịch tễ (virus).
Ở giai đoạn hàn tà còn ở biểu, người ta thường sử dụng các vị thuốc tân ôn để giải biểu (ma hoàng, quế chi, nhiều vị thuốc có tinh dầu…).
Cúm mùa và đại dịch COVID-19 lại do cảm nhiễm khí hậu trái mùa, nó là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thuộc nhóm bệnh ôn dịch (Thời dịch – Cúm mùa). Tà khí của bệnh thương hàn từ lỗ chân lông mà truyền vào, còn tà khí của thời dịch thời từ miệng, mũi mà truyền vào, có yếu tố dịch tễ (virus).
Bệnh thương hàn, tà nhập vào kinh, rồi từ kinh này truyền kinh khác; bệnh thời dịch tà cảm vào trong, rồi truyền sang kinh, đến kinh thời không tự truyền nữa.
Bệnh thương hàn cảm vào phát bệnh rất chóng; bệnh thời dịch phần nhiều dằng dai tới hai ba ngày, cứ nặng thêm dần dần, hoặc tới năm sáu ngày bệnh bỗng dưng mới hóa nặng.
Khác nhau về phép trị
Do cơ chế gây bệnh của cảm lạnh và cúm mùa, COVID-19 khác nhau nên việc sử dụng thuốc giữa hai nhóm bệnh này cũng hoàn toàn khác nhau.
Khi chữa cảm lạnh giai đoạn đầu (bệnh thái dương thương hàn), dựa vào các chứng trạng, người ta cho uống bài "Quế chi thang", hoặc "Ma hoàng thang", hoặc "Đại thanh long thang" để giải biểu, được xông hơi đẩy tà ra ngoài.
Cúm mùa và đại dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thuộc nhóm bệnh ôn dịch nên không thể sử dụng dược liệu cay nóng (tân ôn)…
Khi bệnh ôn tà giai đoạn đầu còn ở phần khí, có thể dùng "Thanh phế thang": Mạch môn đông 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 4g, hoàng cầm 8g, thiên môn đông 12g, bối mẫu 12g, quất hồng 4g, tang bạch bì 12g.
Hoặc "Thanh táo cứu phế thang": Thạch cao 20g, tang diệp 12g, hạnh nhân 12g, a giao 12g, tỳ bà diệp 12g, cam thảo 4g, nhân sâm 12g, hồ ma 12g, mạch môn đông 20g.
Khi chữa trị ôn dịch, người ta thường cho uống ngay "Ngân kiều tán": Liên kiều 20g, kim ngân 20g, cát cánh 12g, bạc hà 12g, lá tre 8g, cam thảo 10g, kinh giới 8g, đậu xị 10g, ngưu bàng 12g. Tán bột. Mỗi lần lấy 24g, thêm lô căn tươi (20 – 40g) sắc uống. Thuốc tân lương thấu biểu, thanh nhiệt giải độc, có tác dụng ở giai đoạn tà cảm vào trong.
Sau khi mắc bệnh hai, ba ngày, người ta cho uống "Đạt nguyên ẩm" gia giảm: Hoàng cầm 6g, bạch thược 4g, thảo quả 4g, binh lang 8g, cam thảo 4g, hậu phác 4g, tri mẫu 8g, (đại táo 1 quả, sinh khương 7 lát). Sắc lấy 200ml, cho uống một lần vào quá trưa về chiều (13 – 14 giờ).
Tác dụng khai đạt nguyên mạc, tị uế hóa trọc. Dùng khi bệnh tà nhanh chóng xâm phạm lấn át mạc nguyên, chính khí chống đỡ với tà khí gây cảm giác sợ lạnh, sốt cao.
Hoặc "Tam tiêu ẩm" (binh lang 4g, hậu phác 4g, cam thảo 4g, hoàng cầm 12g, cát căn 6g, khương hoạt 4g, sinh khương 3 lát, thảo quả 4g, bạch thược 8g, tri mẫu 12g, đại hoàng 8g, sài hồ 4g, hồng táo 3 quả. Đun với 3 bát nước, sắc còn một bát, bỏ bã, uống làm một lần). Các thuốc này có tác dụng khi tà ở kinh và có tác dụng tốt với cúm mùa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội