Hà Nội

Sử dụng thuốc chống viêm có thể gây biến đổi men răng ở trẻ

04-01-2023 06:17 | Thông tin dược học

SKĐS - Một nghiên cứu mới cho thấy, các loại thuốc chống viêm thường dùng có thể gây biến đổi men răng, hiện được thấy ở khoảng 20% trẻ em trên toàn thế giới.

Men răng là lớp ngoài cùng và bao phủ bên ngoài răng, là phần cứng nhất và khoáng hóa cao nhất của cơ thể. Bất kỳ rối loạn nào xảy ra trong quá trình phát triển của răng đều có thể dẫn đến khiếm khuyết men răng, ảnh hưởng đến răng sữa hoặc răng vĩnh viễn.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã quan sát thấy sự gia tăng mạnh về số lượng trẻ em phải điều trị các vấn đề về răng, bao gồm đốm răng trắng hoặc vàng và ê buốt răng. Một số trường hợp, việc nhai đơn giản cũng có thể làm gãy răng của trẻ. Đây là những triệu chứng điển hình của men răng bị tổn thương. Hậu quả là sâu răng xuất hiện sớm và thường xuyên hơn.

Sử dụng thuốc chống viêm có thể gây biến đổi men răng ở trẻ - Ảnh 1.

Cần thận trọng hơn khi sử dụng thuốc chống viêm cho trẻ em vì nguy cơ gây tổn thương men răng.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là, những năm đầu đời, khi men răng hình thành, là giai đoạn trẻ hay đau ốm kèm theo sốt cao và thường được điều trị bằng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), đã khơi dậy sự tò mò của các nhà nghiên cứu.

Các thuốc NSAID như celecoxib và indomethacin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là bước đầu tiên trong thang giảm đau, cùng với paracetamol. Thuốc giúp ức chế hoạt động của cyclooxygenase (COX - một loại enzyme gây viêm chủ yếu) và giảm sản xuất prostaglandin (cũng thúc đẩy quá trình viêm nhiễm).

Tuy nhiên, COX và prostaglandin được biết là có tác dụng sinh lý đối với men răng. Do đó các nhà nghiên cứu trường Đại học São Paulo, Brazil đã tìm hiểu xem liệu những loại thuốc này có can thiệp vào quá trình hình thành bình thường của cấu trúc răng hay không?

Nghiên cứu sử dụng chuột thí nghiệm được điều trị bằng celecoxib và indomethacin trong 28 ngày. Sau đó quan sát thực tế, không có sự khác biệt nào có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở răng. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu bắt đầu nhổ răng, họ phát hiện ra rằng răng dễ bị gãy hơn.

Phân tích dựa trên hình ảnh và thành phần hóa học cho thấy, quá trình khoáng hóa răng đã bị ảnh hưởng. Răng chứa hàm lượng canxi và phosphat dưới mức bình thường, rất quan trọng đối với sự hình thành men răng và mật độ khoáng chất thấp.

Khi các nhà nghiên cứu tìm kiếm nguyên nhân của điều này, họ đã tìm thấy sự thay đổi trong các protein cần thiết cho quá trình khoáng hóa và biệt hóa tế bào, cho thấy rằng các loại thuốc thực sự đã ảnh hưởng đến thành phần của men răng.

So sánh tình huống này với trường hợp của tetracycline, một loại kháng sinh không được khuyên dùng cho trẻ em, vì gây đổi màu răng, các nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh cần thận trọng hơn khi sử dụng các thuốc không kê đơn, đặc biệt là thuốc chống viêm cho trẻ em.

Mời bạn đọc xem thêm video:

5 nhóm người không nên ăn nhiều thịt lợn

Duy Đăng
(Theo Newsmedical)
Ý kiến của bạn