Kết quả một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng thận của bệnh nhân COVID-19 đã qua đời hầu như không có nguy cơ lây truyền virus cho người nhận.
Thận của bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn đủ an toàn để ghép
Trong nghiên cứu mới, trong số 55 người được nhận 1 quả thận từ bệnh nhân mắc COVID-19, không ai bị tiến triển mắc COVID-19 sau khi cấy ghép.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Alvin Wee, chuyên gia tiết niệu tại Trung tâm cấy ghép thuộc Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết: "Nhu cầu về tạng ghép là rất cao. Ngay cả với số lượng ca cấy ghép kỷ lục đã được thực hiện ở Mỹ vào năm 2021, vẫn còn nhiều người cần tạng để được cứu sống, cụ thể mới chỉ có 20.000 ca ghép thận được thực hiện mỗi năm, trong khi có tới 90.000 bệnh nhân cần ghép thận".
"Điều đáng mừng là kết quả nghiên cứu mới đã cho thấy việc sử dụng thận từ những người hiến tặng dương tính với SARS-CoV-2 đảm bảo an toàn" - Wee cho biết thêm.
Theo nhóm nghiên cứu, trước đây, người ta lo ngại rằng thận lấy từ người dương tính với SARS-CoV-2 có thể gây nguy cơ lây truyền virus, mặc dù thực tế chưa có bằng chứng xác thực tình trạng virus có thể lây lan qua nước tiểu hoặc máu.
Tất cả bệnh nhân tham gia nghiên cứu, bao gồm 36 nam và 19 nữ, đã được ghép thận tại Bệnh viện Cleveland Clinic trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2021, năm thứ 2 của đại dịch COVID-19.
Trước tháng 2/2021, Bệnh viện Cleveland Clinic đã dừng mọi hoạt động hiến tạng từ bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Chỉ khi khởi động nghiên cứu này, những người hiến tạng dương tính với SARS-CoV-2 mới được xem xét, và ban đầu, nghiên cứu chỉ lấy tạng từ người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã chết vì nguyên nhân khác không phải do COVID-19. Sau đó, nghiên cứu đã được mở rộng để lấy tạng từ những bệnh nhân bị bệnh nặng với COVID-19 trước khi chết.
Vào thời điểm cấy ghép, khoảng 2/3 số bệnh nhân chờ ghép thận được lọc máu. Và khoảng 2/3 số bệnh nhân chờ ghép thận đã được chủng ngừa phòng COVID-19 với 2 mũi vaccine.
Đồng thời, tất cả 34 người hiến thận đã có chẩn đoán mắc COVID-19 ít nhất 1 lần trong 11 tuần trước khi họ qua đời.
Kết quả cho thấy, sau phẫu thuật, không ai trong số những người nhận thận có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Và 14 tuần sau phẫu thuật, tất cả các quả thận được ghép đều hoạt động tốt.
Ý kiến chuyên gia
Tiến sĩ Wee cho rằng kết quả nghiên cứu này là rất có ý nghĩa. "Một mặt, chúng tôi có thể ghép thận cho nhiều người hơn. Mặt khác, về phía thân nhân người hiến tạng đã chết vì COVID-19, tạng hiến được sử dụng để cứu sống những người khác sẽ mang lại ý nghĩa to lớn, bù đắp phần nào cho cái chết vô nghĩa do đại dịch gây ra" – Wee nhấn mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Brian Inouye, Trưởng khoa tiết niệu tại Đại học Duke ở Durham, N.C (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho rằng: "Mối lo ngại về nguy cơ lây nhiễm của người nhận không phải là vấn đề mới trong lĩnh vực ghép tạng. Các hướng dẫn hiện hành yêu cầu người hiến tạng phải được xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B (HBV) và C (HCV), giang mai, virus hợp bào (cytomegalovirus), virus Epstein-Barr, bệnh toxoplasma và đôi khi là bệnh lao".
"Tạng được hiến tặng từ những bệnh nhân nhiễm các virus có nguy cơ đặc biệt cao (như HIV, HBV và HCV) đã bị cấm. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu nghiêm trọng về tạng ghép, hướng dẫn mới cho phép các bác sĩ có thể sử dụng "tạng có nguy cơ" trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như cung cấp tạng của người hiến tặng dương tính với HIV cho người nhận tạng cũng dương tính với HIV" – Inouye cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu mới đã cho thấy cách tiếp cận trên cũng có thể phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với điều kiện là bệnh sử của người hiến tặng được thông tin rõ ràng. Việc tiếp theo là người nhận và các chuyên gia ghép tạng sẽ cân nhắc để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Mời đón xem video nhiều người quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng