Sử dụng nước súc miệng trị hôi miệng, cần lưu ý gì?

02-08-2023 15:02 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hôi miệng, hơi thở có mùi là một tình trạng khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nước súc miệng sát khuẩn có thể giúp giảm hôi miệng, nhưng không nên lạm dụng.

1. Nguyên nhân gây hôi miệng

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi khó chịu, thường là do sự tích tụ của vi khuẩn kỵ khí trong miệng. Các vi khuẩn này sống trong các mảng bám, đặc biệt là trong cao răng. Khi tiếp xúc với không khí, chúng tạo ra các hợp chất có mùi khó chịu như sulfur, các hợp chất này là nguyên nhân gây ra mùi hôi từ hơi thở.

Sử dụng nước súc miệng trị hôi miệng, cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Hơi thở có mùi là một tình trạng khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, hôi miệng cũng có thể do những nguyên nhân khác nhau như:

  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Sử dụng thực phẩm có mùi: Một số loại thực phẩm như tỏi, hành, cà chua, cà phê, rượu và thuốc lá có thể gây ra mùi hôi miệng.
  • Bệnh nha chu: Vi khuẩn tích tụ trong kẽ răng và lỗ hổng trên bề mặt răng, gây sưng nướu và tổn thương răng. Điều này dẫn đến việc tạo mảng bám răng và có thể gây hôi miệng.
  • Bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa: Các vấn đề về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hay bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày, táo bón cũng có thể tạo ra mùi hôi từ hơi thở.
  • Một số bệnh lý khác: Có một số tình trạng y tế như bệnh thận, viêm tụy, viêm gan và bệnh đái tháo đường có thể gây ra hôi miệng.
  • Không uống đủ nước: Khô miệng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc như thuốc trị bệnh tim, huyết áp cao, thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc chống dị ứng có thể gây hôi miệng như một tác dụng phụ.
  • Stress và căng thẳng: Cảm giác căng thẳng và lo lắng có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển, dẫn đến hôi miệng.

2. Các giải pháp khắc phục hôi miệng

2.1 Nước súc miệng sát khuẩn trị hôi miệng

Vệ sinh răng miệng tốt, kết hợp với nước súc miệng sát khuẩn (không chứa cồn) có thể giúp hơi thở thơm tho. Ngoài ra, nếu hôi miệng là nguyên nhân thứ phát của một vấn đề sức khỏe, thì cần điều trị nguyên nhân.

Để tránh hôi miệng, cần chú ý vệ sinh răng miệng:
  • Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày sau bữa ăn.
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng giúp loại bỏ cặn thức ăn mắc kẹt giữa các răng. Những người có răng giả càng cần làm sạch để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
  • Sau khi đánh răng, nước súc miệng sát khuẩn sẽ đóng vai trò điều trị hỗ trợ.

Nước súc miệng sát khuẩn là thuốc dạng lỏng hoặc phương pháp điều trị tại chỗ chứa chlorhexidine, một chất kháng khuẩn mạnh và có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, virus và nấm trong khoang miệng.

Các sản phẩm nước súc miệng sát khuẩn chứa clohexidine thường được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ trợ cho các tình trạng của miệng và hầu họng như viêm nướu, viêm nha chu, mảng bám răng hoặc sau phẫu thuật như nhổ răng.

Đối với hôi miệng, nước súc miệng sát khuẩn chứa clohexidine giúp giảm hôi miệng chủ yếu do tính chất kháng khuẩn mạnh của clohexidine.

Cần lưu ý, khác với các loại nước súc miệng thông thường, nước súc miệng sát khuẩn không được dùng hàng ngày mà chỉ dùng trong đợt điều trị tối đa từ 7 đến 10 ngày.

Sử dụng nước súc miệng trị hôi miệng, cần lưu ý gì? - Ảnh 2.

Sau khi đánh răng, nước súc miệng sát khuẩn sẽ đóng vai trò điều trị bổ trợ.

Tuy clohexidine có hiệu quả cao trong việc tiêu diệt vi khuẩn, nhưng việc sử dụng lâu dài có thể gây ra một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng clohexidine bao gồm thay đổi vị giác, mảng bám trên răng, răng ố vàng, và trong một số trường hợp có thể gây dị ứng.

Do đó, việc sử dụng nước súc miệng chứa clohexidine nên được thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc nha sĩ. Không dùng nước súc miệng chứa chlorhexidine cho trẻ em.

Ví dụ về một số loại nước súc miệng sát khuẩn có chứa chlorhexidine phổ biến là: Chlorhexedine 0,2 %, medoral chlorhexedin…

2.2 Thuốc xịt miệng, viên ngậm, kẹo cao su

Thuốc xịt miệng, viên ngậm hoặc kẹo cao su bạc hà rất thường được khuyên dùng cho những người muốn chống hôi miệng và duy trì hơi thở thơm tho. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng. Những sản phẩm trị hôi miệng này thường chứa tinh dầu bạc hà giúp che dấu hơi thở có mùi. Chúng cũng kích thích sản xuất nước bọt, đóng vai trò làm sạch miệng tự nhiên.

Để giảm thiểu hôi miệng, quan trọng là duy trì vệ sinh răng miệng tốt ngoài ra cần tạo thói quen định kỳ thăm khám nha khoa để kiểm tra sức khỏe răng miệng.

3. Lưu ý khi sử dụng nước súc miệng sát khuẩn trị hôi miệng

Khi sử dụng nước súc miệng sát khuẩn, nên lưu ý các điểm sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Đọc và tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nha sĩ. Để sử dụng sản phẩm đúng cách và tránh tác dụng phụ không mong muốn.
  • Không nuốt dung dịch sau khi súc miệng
  • Trước khi sử dụng nước súc miệng, hãy đánh răng và súc miệng bằng nước sạch để loại bỏ mảng bám và thức ăn. Sau đó, súc miệng với nước súc miệng chứa clohexidine...
  • Không sử dụng nước súc miệng sát khuẩn chứa clohexidine nhiều hơn liều lượng được đề xuất, vì có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
  • Trong trường hợp sản phẩm dính vào mắt, hãy rửa sạch ngay lập tức bằng nước sạch và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cần thiết.
  • Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ trước khi sử dụng nước súc miệng chứa clohexidine.

Nếu hôi miệng vẫn tiếp tục sau khi thực hiện các biện pháp vệ sinh miệng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và được tư vấn điều trị phù hợp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Nên đánh răng bao nhiêu lần 1 ngày? | SKĐS

DS. Nguyễn Thị Mến
Ý kiến của bạn