Nguyễn Hải Miên (Thanh Hóa)
Không được thay đổi miếng dán khi đã dán vào da.
Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng khoảng 4,5cm, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Thành phần của miếng dán bao gồm 2 hormon tổng hợp là progestin (norelgestromin) và estrogen (ethinyl estradiol). Khi được dán trên da, thuốc sẽ ngấm qua da đi vào máu và phát huy tác dụng tránh thai bằng cách ngăn cản sự rụng rứng. Ngoài ra, miếng dán cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại làm cho tinh trùng khó gặp trứng nên không thể thụ thai. Khi sử dụng miếng dán này, bạn cần dùng theo chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, 1 ngày sau khi hết kinh, dán miếng dán lên da và để nguyên trong 1 tuần. Vào ngày đó của tuần kế tiếp, bạn bóc miếng dán cũ ra và dán một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở chỗ khác trên cơ thể. Trong tuần thứ 4, không dán miếng dán mới và kinh nguyệt xảy ra. Tuần tiếp theo, bạn lặp lại quy trình này. Tuy nhiên, bạn cần chú ý, để đảm bảo việc tránh thai đạt hiệu quả, trong lần đầu tiên dùng miếng dán, bạn phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. Nếu các miếng dán kế tiếp được dán và bỏ đúng lúc thì không cần dùng thêm các phương pháp tránh thai khác nữa. Ngoài ra, bạn không được bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán khi đã dán vào da vì có thể làm cho miếng dán dễ bị bong. Không dùng băng dính để giữ miếng dán, không cắt hoặc sửa lại miếng dán bằng bất cứ cách nào vì có thể làm thay đổi lượng hormon phân phối vào cơ thể. Cũng giống như các loại thuốc tránh thai khác, miếng dán tránh thai nếu dùng trong thời gian dài có thể có những tác dụng không mong muốn nhất định như rối loạn kinh nguyệt, đau đầu, thay đổi nội tiết... Nếu xuất hiện những biểu hiện này, bạn nên đến chuyên khoa sản để được tư vấn và lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp hơn.
BS. Nguyễn Thu Hà