1. Những nguy hại khi lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Trong thời gian gần đây, Khoa Khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám do gặp các dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Chị Nguyễn Thu T. (27 tuổi, trú tại Hà Nội) bị rối loạn kinh nguyệt kéo dài nhiều tháng, thỉnh thoảng cảm thấy đau dữ dội ở bụng dưới. Qua thăm khám và hỏi bệnh, chị T, cho biết mỗi lần vợ chồng gần gũi, chị sợ mang thai nên đã mua thuốc tránh thai khẩn cấp để uống. Thời gian gần đây đã sử dụng nhiều liều thuốc tránh thai và gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, có tháng chị đến kỳ kinh tận 2-3 lần, vừa hết vài hôm thì lại có. Có tháng lại mất kinh, bụng dưới đau ẩm ỉ, có lúc dữ dội không thể làm việc.
Một trường hợp khác, chị Trần Quỳnh N. (32 tuổi, Hà Nội) gặp tình trạng rong kinh kéo dài hơn 2 tuần, đau bụng nhiều rồi dần dần đau khắp cơ thể sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục trong thời gian ngắn.
Trực tiếp thăm khám và điều trị cho hai bệnh nhân nói trên, ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa Khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các triệu chứng này là tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp không đúng cách. Không nên sử dụng thường xuyên, chỉ dùng để "chữa cháy" trong những tình huống khẩn cấp.
ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh cảnh báo, sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên sẽ dễ bị rong kinh, rong huyết, rối loạn kinh nguyệt hoặc các biến chứng nguy hiểm hơn. Cách đây không lâu, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã từng tiếp nhận nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, đau tức ngực. Người bệnh đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong nhiều năm.
Kết quả xét nghiệm và chụp CT cho thấy bệnh nhân bị huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính. Tình trạng này ngăn chặn dòng máu lưu thông và gây trở ngại trong việc trao đổi khí, khiến bệnh nhân tức ngực, khó thở. Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến căn bệnh này chính là do lạm dụng thuốc tránh thai, ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh cho hay.
ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa Khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo nguy hại khi lạm dụng thuốc tránh thai.
2. Khuyến cáo của chuyên gia khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh, thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hoặc sử dụng biện pháp tránh thai thất bại, ví dụ như thủng bao cao su, quên uống thuốc tránh thai hàng ngày từ 2 ngày trở lên...
Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa hormone nữ progestin tương tự như thuốc tránh thai hàng ngày. Tuy nhiên, hàm lượng kích thích tố progestin trong thuốc tránh thai khẩn cấp cao hơn nên sẽ làm ức chế hoặc trì hoãn rụng trứng, làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào lòng tử cung, cản trở sự thụ tinh, ức chế sự phát triển của nội mạc tử cung, ngăn cản sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.
Việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục, lạm dụng sử dụng sau mỗi lần quan hệ, có thể dẫn đến nguy cơ tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, căng tức ngực, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh... Khi sử dụng, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng trong trường hợp bất khả kháng. Khuyến cáo chỉ nên uống tối đa 2 viên/tháng hoặc 3 viên/năm để đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Nếu bị nôn trong thời gian dưới 2h sau khi uống thuốc, cần uống bù liều khác.
- Thuốc tránh thai khẩn cấp không có tác dụng khi thai đã hình thành. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu trong tháng tới. Nếu không thấy kinh nguyệt xuất hiện, bạn nên kiểm tra xem mình có mang thai hay không.
Ngoài ra, những trường hợp sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp:
- Chảy máu âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân.
- Người đang hoặc đã sử dụng thuốc trong 4 tuần qua. Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể tương tác với một số loại thuốc chống nấm, thuốc điều trị bệnh lao, động kinh...
- Người có tiền sử viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối.
- Người có bệnh lý nền như bệnh đái tháo đường, rối loạn tuần hoàn máu não, bệnh tim...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Đầy hơi, chướng bụng và lời khuyên của thầy thuốc | SKĐS