Insulin được chỉ định khi nào?
Insulin là hormon được tiết ra từ tuyến tụy của người và động vật. Trong cơ thể, insulin là hormon duy nhất có tác dụng làm hạ đường huyết. Do đó, insulin được sử dụng trong điều trị đái tháo đường.
Khi mới ra đời, insulin được sản xuất từ nguồn động vật, bao gồm insulin bò và insulin lợn, tuy nhiên các sản phẩm này có tỷ lệ gây dị ứng cao, nên không còn được sử dụng nữa. Hiện nay, các sản phẩm insulin lưu hành trên thị trường đều là các insulin người được sản xuất bằng công nghệ sinh học, từ 2 nguồn chính là vi khuẩn hoặc nấm men.
Insulin là thuốc điều trị chủ đạo trong đái tháo đường type 1 (thiếu hụt hoàn toàn insulin) và những bệnh nhân đái tháo đường type 2 không đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết mong muốn với các thuốc dùng uống, cũng như điều trị đái tháo đường trong thai kỳ.
Hiện nay, insulin có 2 dạng bào chế chính: Lọ thuốc tiêm insulin (chứa 10ml thuốc) hoặc bút tiêm insulin (chứa 3ml thuốc). Để sử dụng dạng lọ, người bệnh cần thêm 1 bơm tiêm insulin để lấy thuốc; ngược lại, để sử dụng bút tiêm, người bệnh cần có kim tiêm gắn vào đầu bút.
Hai dạng bào chế thông thường của insulin.
Những lưu ý khi sử dụng
Tiêm insulin đúng vị trí
Insulin được tiêm dưới da, ở các vị trí như vùng bụng, bắp tay, đùi và mông. Một tác dụng phụ tại chỗ hay gặp khi điều trị với insulin là tình trạng loạn dưỡng mỡ. Tác dụng phụ này có thể được hạn chế bằng cách luân phiên giữa các vùng tiêm và trong mỗi vùng tiêm, lại luân phiên giữa các vị trí tiêm (cách nhau 2-3cm). Bệnh nhân không bao giờ được tiêm vào vùng da bị loạn dưỡng, da viêm, bị loét hay nhiễm trùng. Ngoài ra khi tiêm cần lưu ý:
Mỗi bút tiêm chỉ nên dùng cho một bệnh nhân. Một lọ tiêm có thể sử dụng cho nhiều bệnh nhân (nếu có cùng chỉ định), nhưng mỗi lần tiêm phải sử dụng bơm tiêm khác nhau.
Trước khi tiêm, cần làm ấm và đồng nhất thuốc bằng cách lăn tròn lọ hoặc bút tiêm giữa hai lòng bàn tay 10 lần.
Giữ kim tiêm ít nhất 6 giây sau khi tiêm xong, để đảm bảo thuốc đã được tiêm hết theo liều lượng đã chọn.
Nên sát trùng vị trí tiêm trước và sau khi tiêm.
Bảo quản đúng nhiệt độ
Sản phẩm insulin chưa sử dụng (chưa mở nắp lần đầu) phải được bảo quản ở nhiệt độ 2-80C trong ngăn mát tủ lạnh, tránh không được để đông lạnh. Nếu sản phẩm insulin đã sử dụng, tức là đã mở nắp lần đầu, thì phải được bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 25oC, tránh ánh nắng trực tiếp, thời gian sử dụng từ 4-6 tuần tùy hướng dẫn của mỗi nhà sản xuất.
Không được tự ý đổi thuốc
Cần lưu ý là các sản phẩm insulin trên thị trường không giống nhau. Tuy cùng nguồn gốc là insulin người, nhưng dựa vào đó các nhà sản xuất sẽ điều chỉnh cấu trúc phân tử, tạo ra các chất tương tự insulin (insulin analog) cũng có tác dụng hạ đường huyết, nhưng khác nhau về thời gian tác dụng, có thể ngắn lại hoặc kéo dài ra, nhằm mục đích tạo thuận tiện cho người sử dụng và “bắt chước” tốt nhất tác dụng sinh lý của insulin trong cơ thể người. Vì vậy, khi bác sĩ đã kê đơn một sản phẩm insulin cụ thể cho bạn, bạn chỉ nên sử dụng sản phẩm insulin đó, không được tự ý thay đổi sang sản phẩm insulin khác.
Không dùng quá liều
Quá liều insulin gây hạ đường huyết, nếu đường huyết giảm quá mức có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí gây tử vong nếu không xử trí kịp thời. Các dấu hiệu thường gặp của hạ đường huyết bao gồm: Mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn thị giác, cảm giác đói, toát mồ hôi, run tay. Khi đó, người bệnh cần dùng ngay loại đường phân hủy nhanh (ngậm viên đường, viên kẹo). Nếu các triệu chứng vẫn không cải thiện, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Do đó, người bệnh không bao giờ được dùng quá liều insulin được bác sĩ chỉ định.