Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

17-09-2020 07:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong 2 ngày 15-16/9, đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở cho 13 tỉnh do PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch –Tài chính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (BQL) làm trưởng đoàn đã có chuyến làm việc về tiến độ triển khai Dự án tại 2 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái.

Những trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng

Tại các địa phương này, trước khi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số trạm y tế thuộc vùng sâu, vùng xa, khó khăn như trạm y tế xã Định Cư, huyện Lạc Sơn và trạm y tế xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình; trạm y tế xã Ngòi A, huyện Văn Yên và Trung tâm y tế huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái. Đây là các trạm y tế, Trung tâm y tế huyện chuẩn bị đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa (theo Danh mục xây mới nâng cấp cải tạo trong khuôn khổ Dự án).

Trần nhà của 1 dãy phòng tại trạm y tế xã Định Cư- huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xuống cấp nghiêm trọng  (ảnh chụp ngày 15/9/2020)

Ghi nhận của chúng tôi tại trạm y tế xã Định Cư cho thấy cơ sở vật chất ở đây xuống cấp nghiêm trọng, tường nhà bong tróc, nhiều vết nứt kéo dài, nền nhà nhiều phòng ở trạm y tế này lở thành từng “vũng” nhỏ, ẩm thấp.

Đặc biệt, trần phía ngoài hiên dãy nhà cấp 4 có các phòng lưu bệnh nhân ở trạm y tế xã Định Cư là những tấm cót đã cũ nát, vá víu lỗ chỗ bằng bìa các tông. Bên trong phòng lưu bệnh nhân “khả dĩ” hơn chút là được trang bị tấm bạt trên trần để tránh tình trạng dột khi trời mưa hoặc nắng chiếu vào bệnh nhân đang nằm theo dõi sức khỏe.

Tủ thuốc của trạm y tế cũng nghèo nàn, hiện chỉ đáp ứng khoảng 1/3 danh mục thuốc theo phân cấp của trạm y tế. Trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho người dân không đồng bộ theo quy định...

Y sĩ Lê Thị Thu Hương- Trưởng trạm y tế xã Định Cư, cho biết trung bình mỗi tháng có khoảng 200-250 người dân đến trạm thăm khám, nhận thuốc (trạm hiện đang theo dõi và cấp thuốc cho gần 100 bệnh nhân tăng huyết áp); mỗi đợt tiêm chủng hàng tháng diễn ra trong khoảng 2 ngày, mỗi ngày có khoảng 50 cháu tiêm chủng...

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng kiểm tra thực trạng của trạm y tế xã Định Cư- huyện Lạc Sơn- tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong những trạm y tế sẽ được đầu tư xây mới

Chia sẻ với đoàn công tác, các cán bộ y tế đang công tác tại trạm y tế Định Cư mong muốn sớm có nhà trạm khang trang, cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư đồng bộ “chứ cứ như tình trạng hiện nay, chúng tôi cũng không biết làm thế nào để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được như mong muốn và khó có thể giữ chân được người dân đến với trạm”.

Đoàn công tác cũng ghi nhận chiếc tủ bảo quản vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng cũng đã quá cũ, hiện tượng đông đá diễn ra từ lâu nên “hàng ngày chúng tôi phải mở tủ ra để lấy phần đông đá đi. Lo nhất là mất điện thì sẽ khó khăn cho bảo quản vắc xin. Do đó, chúng tôi mong muốn có tủ mới để bảo quản vắc xin tốt hơn”- các cán bộ y tế của trạm y tế xã Định Cư bày tỏ.

Ghi nhận của chúng tôi cũng cho thấy, tình trạng tủ bảo quản  vắc xin ở trạm y tế xã Định Cư cũng là tình trạng chung của cả 3 trạm y tế mà Đoàn công tác đến khảo sát.

Tại trạm y tế xã Lỗ Sơn, anh Lưu Văn Tý - người đang đến khám vì hai hôm nay “cảm thấy hơi mệt, nhức đầu, mỏi người” cho biết, do bị tăng huyết áp nên hàng tháng anh đều đến khám và lấy thuốc tại trạm. Nhân viên y tế của trạm rất nhiệt tình nhưng trạm y tế thiếu thiết bị, lạc hậu không phục vụ được nhu cầu của người dân. Hầu hết bà con trong xã khi gãy tay, gãy chân không chọn phương án ra trạm y tế sơ cứu ban đầu, phụ nữ có thai khi chuyển dạ thường đi ngay ra Trung tâm y tế huyện cách đó tầm 15 km.

Đoàn công tác kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của trạm y tế xã Lỗ Sơn

“Chúng tôi mong muốn trạm y tế được đầu tư nhiều hơn, trang thiết bị đầy đủ hơn và thêm danh mục thuốc để người dân được phục vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn ngay tại trạm, đỡ phải vất vả lên tuyến trên”- anh Tý bày tỏ.

Tại Trung tâm y tế huyện Văn Yên- tỉnh Yên Bái, cơ sở vật chất còn chật hẹp, không đủ số phòng làm việc, nhiều nhà được xây dựng từ lâu (1990) đã xuống cấp

Tại khoa Ngoại tổng hợp có tổng số giường kế hoạch 48 giường, giường thực kê 70 giường. Dự kiến trong những năm tới với việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật tại đơn vị như: phẫu thuật thần kinh, các kỹ thuật về răng hàm mặt, tai mũi họng ...số giường sẽ còn tăng lên.

Do đó, Trung tâm Y tế đề xuất gia đoạn 2 của Dự án đập bỏ khối nhà Ngoại - Sản (hiện tại khoa Ngoại đang xếp 15 giường; khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản có 8 phòng làm việc và 02 buồng bệnh kê 10 giường) và xây tầng 3 của khối nhà Xét nghiệm và khối nhà điều trị nhi (tổng số 24 phòng tương đương khoảng 72 giường)...

Đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án Trung ương kiểm tra thực tế tại trạm y tế xã Ngòi A- huyện Văn Yên

Xu hướng mới trong chăm sóc sức khỏe ban đầu

Tại các buổi làm việc nghe Lãnh đạo Sở Y tế và Lãnh đạo BQL dự án của 2 tỉnh đề xuất những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi đầu triển khai Dự án, Đoàn công tác đã đề ra những biện pháp cụ thể hỗ trợ Ban Quản lý dự án 2 tỉnh với mục tiêu triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động khởi đầu Dự án như hỗ trợ xây dựng kế hoạch; các thủ tục mua sắm đấu thầu; quản lý tài chính và công tác giải ngân...

Đồng thời, Đoàn công tác cũng nhấn mạnh đến việc các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về vai trò của y tế cơ sở, về những hoạt động của Dự án trên các phương tiện truyền thông của địa phương...

PGS. TS Phan Lê Thu Hằng - Giám đốc BQL nhấn mạnh với hai tỉnh một số vấn đề mang tính chất quan trọng cần lưu ý trong việc triển khai thực hiện Dự án nói riêng cũng như việc triển khai Quyết định 2348 về phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ nói chung.

Theo đó, các địa phương cần quan tâm tới những xu hướng mới liên quan tới công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm: Trung tâm y tế huyện quản lý toàn bộ hệ thống y tế trên địa bàn, điều phối linh hoạt và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực y tế (nhân lực, vật lực và tài lực) nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến huyện cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế xã.

Đoàn công tác của BQL Dự án Trung ương làm việc tại Sở Y tế Hoà Bình

“Trạm y tế xã là điểm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (khám chữa bệnh thông thường, dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý các bệnh không lây nhiễm…) dựa trên nguyên lý y học gia đình (chăm sóc phối hợp, chăm sóc toàn diện, chăm sóc liên tục, hướng cộng đồng, hướng gia đình, và hướng dự phòng), là tấm lá chắn đầu tiên (người gác cổng) của toàn bộ hệ thống y tế”- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng lưu ý.

Đồng thời, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cũng nhấn mạnh vai trò của nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã thay cho vai trò cá nhân bác sỹ gia đình.

Nhóm nhân lực này không chỉ bao gồm những nhân viên cơ hữu tại trạm y tế xã mà bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến trên (làm việc luân phiên tại trạm y tế xã, khám chữa bệnh định kỳ tại trạm y tế xã hay hỗ trợ từ xa cho trạm y tế xã). Cách tiếp cận chú trọng chức năng cung ứng dịch dịch vụ hơn cá thể hóa nhân lực y tế sẽ đòi hỏi yêu cầu cao hơn về điều phối nhân lực y tế trên địa bàn

Nâng cao chất lượng quản trị y tế cơ sở

Các địa phương cũng cần nâng cao chất lượng quản trị y tế cơ sở, đặc biệt là vai trò của Sở Y tế và Trung tâm y tế huyện trong việc điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) cho việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã.

Tiếp đến, tăng cường mối liên kết chặt chẽ và lâu dài giữa người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản thông qua hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, đóng vai trò như bộ nhớ của hệ thống y tế (được lưu giữ lâu dài và cập nhận thường xuyên) về sức khỏe của từng cá nhân.

Trần nhà trạm y tế xã Định Cư đã bong tróc    (ảnh chụp ngày 15/9)

Về mô thức quản trị Dự án, Giám đốc Phan Lê Thu Hằng lưu ý, Dự án áp dụng phương thức quản trị phi tập trung hóa, theo đó các tỉnh tham gia Dự án được trao quyền tự chủ ở mức độ rất cao. Các tỉnh sẽ đóng vai trò Chủ Dự án tại địa phương, trực tiếp triển khai thực hiện hầu hết các hoạt động Dự án, bao gồm cả những hoạt động đầu tư lớn (như nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế…).

“Tôi cho rằng, mô thức quản trị Dự án mới này, bên cạnh những lợi ích mang lại từ việc tăng cường tính chủ động sáng tạo và khả năng thích ứng linh hoạt của các địa phương, cũng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như các biện pháp quản trị rủi ro”- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nói.


Thái Bình
Ý kiến của bạn