Sử dụng furosemid lợi tiểu cần chú ý gì?

01-03-2019 11:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Furosemid tôi là một thuốc lợi tiểu. Tác dụng của tôi nói nôm na là làm cho người bệnh đi tiểu nhiều hơn do làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận ra ngoài qua đường tiểu.

Vì vậy mà furosemid được dùng trong những trường hợp như: Phù phổi cấp, phù do tim, gan, thận và các loại phù khác hoặc những bệnh nhân tăng huyết áp có tổn thương thận hoặc những bệnh nhân bị tăng calci huyết...

Trong điều trị tăng huyết áp, furosemid tôi không phải là thuốc chính để điều trị mà bác sĩ sẽ kê đơn phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác để điều trị tăng huyết áp ở người có tổn thương thận.

Tùy theo mục đích điều trị, tình trạng nặng nhẹ của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn dùng liều và thời gian dùng phù hợp, dùng dạng uống hay tiêm và dùng hàng ngày hoặc cách nhật. Trong quá trình dùng thuốc, nhiều người bệnh cần có sự điều chỉnh liều dùng khi bác sĩ thấy cần thiết và theo đáp ứng của người bệnh. Vì vậy, đây là thuốc mà bệnh nhân không được tự ý mua dùng hay dùng theo mách bảo của những người thân quen...

Không dùng furosemid cho người mẫn cảm với thuốc và với các dẫn chất sulfonamid, ví dụ như sulfamid chữa đái tháo đường; tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan; vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan. Đối với phụ nữ có thai, do furosemid tôi có thể qua hàng rào nhau thai vào thai nhi và gây rối loạn nước và chất điện giải cho thai nhi.

Vì vậy, trong 3 tháng cuối thai kỳ, chỉ được dùng furosemid tôi khi không có thuốc thay thế và chỉ với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. Với phụ nữ cho con bú, furosemid tôi có nguy cơ ức chế sự tiết sữa, nếu đã dùng furosemid tôi thì nên ngừng cho con bú.

Một điều không thể quên dặn dò người bệnh là khi dùng furosemid tôi cần phải chú ý đến các tác dụng không mong muốn mà tôi có thể gây ra trong quá trình sử dụng. Ví dụ như mất cân bằng điện giải, mẫn cảm với ánh sáng nhất là ở những người dùng thuốc liều cao, kéo dài. Ngoài ra, người bệnh cũng cần cảnh giác với triệu chứng của hạ huyết áp thế đứng, giảm kali huyết, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa hoặc ù tai, giảm thính lực có hồi phục (ở liều cao).

Khi có dấu hiệu mất cân bằng điện giải bao gồm đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để được kiểm tra thường xuyên điện giải đồ. Việc bổ sung kali hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ kali có thể được bác sĩ chỉ định cho những người bệnh có nguy cơ cao phát triển hạ kali huyết...


DS. Trần Thị Bích
Ý kiến của bạn