Sử dụng đúng dạng thuốc đặt hậu môn

17-10-2017 13:17 | Dược
google news

SKĐS - Thuốc đặt hậu môn khá thông dụng nhưng không phải ai cũng hiểu và dùng đúng.

Thuốc đặt hậu môn

Đặt hậu môn thường ở dạng rắn, viên thuốc có hình dáng như viên đạn nên còn được gọi là thuốc đạn.

Thuốc đặt hậu môn được sử dụng bằng cách đặt trực tiếp vào trong trực tràng (hậu môn), dưới tác dụng của thân nhiệt, các hoạt chất sẽ được phóng thích.

Thuốc đặt hậu môn thường được dùng trong các trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên, bị nôn ói, bị viêm loét dạ dày, tá tràng…Do thuốc không đi qua gan, nên thuốc đặt hậu môn còn được sử dụng thích hợp cho người có bệnh lý về gan.

Thành phần:

Trong thành phần của thuốc đặt hậu môn gồm có hoạt chất và tá dược. Các tá được được sử dụng trong thuốc đặt hậu môn là những chất dễ tan chảy như: bơ, ca cao, gelatin, polyethylene glycol…

Khi thuốc đặt hậu môn được đặt vào trong trực tràng, dưới tác dụng của thân nhiệt, các tá dược sẽ tan chảy và phóng thích hoạt chất vào trong cơ thể.

Phân loại:

Có nhiều dạng thuốc đặt hậu môn khác nhau:

Tùy theo sự phân tán của hoạt chất: thuốc đặt hậu môn có tác dụng tại chỗ (hoạt chất phân tán tại chỗ) và thuốc đặt hậu môn có tác dụng toàn thân (hoạt chất sẽ phân tán theo các mạch máu).

Sử dụng đúng dạng thuốc đặt hậu môn

Thuốc đặt hậu môn có tác dụng tại chỗ thường sử dụng trong điều trị táo bón, bệnh trĩ. Thuốc đặt hậu môn có tác dụng toàn thân thường được sử dụng trong điều trị hạ sốt, giảm đau, viêm khớp…

Tùy theo nguồn gốc của các thành phần: thuốc đặt hậu môn thảo dược (trong thành phần có chứa dược liệu) và thuốc đặt hậu môn thông thường

Tùy theo tác dụng điều trị:

Thuốc đặt hậu môn hạ sốt thường trong thành phần có chứa paracetamol. Thuốc đặt dạng này thích hợp khi sử dụng hạ sốt cho trẻ em.

Thuốc đặt hậu môn trị thấp khớp trong thành phần có chứa các chất kháng viêm non-steroid: diclophenac, ketoprofene… thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý thấp khớp. Thuốc đặt hậu môn dạng này thích hợp cho người bị viêm loét dạ dày tá tràng, không thể uống thuốc kháng viêm non-steroid.

Thuốc đặt hậu môn trị táo bón trong thành phần có chứa glycerin (có tác dụng làm mềm phân) hay bisacodyl (giúp kích thích nhu động ruột). Thuốc đặt hậu môn dạng này chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, dùng trong thời gian dài sẽ gây tác hại đến nhu động ruột.

Thuốc đặt hậu môn trị bệnh trĩ trong thành phần thường có chứa các chất kháng viêm corticosteroid (hydrocortisone) và các chất co mạch, có tác dụng làm giảm các triệu chứng sưng, đau, bỏng rát, ngứa của bệnh trĩ

Ngoài ra còn có thuốc đặt hậu môn trị ho, bổ sung nội tiết tố….

Cách sử dụng đúng dạng thuốc đặt hậu môn

Hiện nay ở nước ta, thuốc đặt hậu môn dùng trong điều trị giảm đau, hạ sốt, bệnh trĩ... được sử dụng khá thông dụng nhưng đa số việc bảo quản và sử dụng thuốc đặt hậu môn vẫn chưa được đảm bảo. Sau đây là các hướng dẫn để sử dụng đúng dạng thuốc đặt hậu môn:

- Thuốc nên được bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ <300C.

- Trước và sau khi đặt thuốc vào cơ thể, cần phải được rửa tay sạch sẽ.

- Tư thế đặt thuận lợi là người bệnh nằm nghiêng một bên, một chân co lên.

- Ngón cái và ngón trỏ cầm viên thuốc, đưa nhẹ nhàng đầu nhọn viên thuốc vào trực tràng.

- Không nên đặt quá sâu, tốt nhất là vừa đủ chiều dài của viên thuốc.

- Cần giữ yên tư thế khoảng 15 phút.

- Khi sử dụng thuốc đặt hậu môn, cần tuân theo các chỉ định liều lượng của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ quá liều và đạt được hiệu quả điều trị cao nhất!.


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn