Hen suyễn ở trẻ có đáng sợ?
Hen suyễn là bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp, xảy ra trên các bé có cơ địa đường thở nhạy cảm hoặc mẫn cảm, lâm sàng đặc trưng bởi khó thở kèm khò khè tái phát. Nếu như không hiểu rõ cũng như không có kiến thức để xử trí cơn hen cấp tại nhà thì hen suyễn rất nguy hiểm. Tuy nhiên, hiểu về căn bệnh này, chung sống hòa bình với nó, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tốt, có kiến thức về xử trí cơn hen cấp cũng như điều trị phòng ngừa tốt, thì hen suyễn cũng không còn đáng sợ nữa.
Một số yếu tố gợi ý đến trẻ bị hen suyễn như: Khò khè dai dẳng hay tiếp diễn thường có tuổi khởi phát trễ hơn nhóm khò khè tạm thời và thường sẽ tiếp diễn đến tuổi sau mẫu giáo. Nhóm này trẻ thường kèm theo cơ địa dị ứng, chàm, mề đay...
Việc chẩn đoán có hen thực sự hay không ở trẻ dưới 5 tuổi là điều không hề dễ dàng, cần sự phối hợp giữa việc hỏi bệnh sử chi tiết và khám lâm sàng cẩn thận.
Trẻ bị hen luôn phải mang theo thuốc cắt cơn hen bên mình.
Điều trị hen cho trẻ thế nào?
Trong việc điều trị hen ở trẻ em có thể chia ra 2 nhóm thuốc: Thuốc cắt cơn hen và thuốc phòng ngừa hen. Thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh khiến cho việc thở được dễ dàng hơn bằng cách làm đường hô hấp rộng hơn.
Luôn phải đem theo thuốc cắt cơn hen suyễn bên mình cho trẻ, đó là điều cực kỳ quan trọng trong sơ cứu. Thuốc cắt cơn được sử dụng sơ cứu tại nhà như ventoline inhaler, là salbutamol dạng khí dung. Mỗi liều xịt ventolin inhaler sẽ giải phóng 100mcg salbutamol dạng sulfate. Salbutamol là thuốc kích thích chọn lọc thụ thể beta-2 làm giãn cơ trơn phế quản, chống lại sự co thắt phế quản giúp người bệnh dễ thở, phục hồi chức năng hô hấp mà không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới tim mạch.
Nếu là chai thuốc hoàn toàn mới thì không sao, nhưng nếu là chai thuốc cũ, chúng ta nên kiểm tra lượng thuốc trong chai thuốc còn hay không bằng cách tháo hộp thuốc ra khỏi vỏ nhựa rồi thả hộp thuốc vào thau nước. Nếu hộp thuốc nổi hoàn toàn là đã hết thuốc; nửa nổi nửa chìm, thuốc còn một nửa. Hộp thuốc chìm hoàn toàn, thuốc còn gần như nguyên vẹn.
Thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là corticoid dạng hít, rất an toàn và hiệu quả. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường trong nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường hô hấp, tuy nhiên trong quá trình dùng thuốc có thể gây nấm hầu họng, phòng ngừa được nếu trẻ súc miệng và họng sau khi sử dụng.
Thực hành lâm sàng cho thấy đa số các bà mẹ không sử dụng ống thuốc hít đúng cách. Điều này góp phần làm cho việc kiểm soát cơn hen kém và tăng số đợt kịch phát. Do đó huấn luyện kỹ năng để sử dụng hiệu quả các dạng thuốc hít là quan trọng. Để đảm bảo điều này cần lựa chọn ống thuốc hít thích hợp cho trẻ, kiểm tra kỹ thuật của các bà mẹ khi có cơ hội: yêu cầu bà mẹ thực hiện cách họ sử dụng ống hít, kiểm tra kỹ thuật của họ dựa vào bảng kiểm chuyên biệt của dụng cụ.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả
Nếu như không hiểu rõ cũng như không có kiến thức để xử trí cơn hen cấp tại nhà thì hen suyễn rất nguy hiểm. Tuy nhiên, hiểu về căn bệnh này, chung sống hòa bình với nó, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tốt, có kiến thức về xử trí cơn hen cấp cũng như điều trị phòng ngừa tốt, thì hen suyễn cũng không còn đáng sợ nữa.
Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả hen suyễn ở trẻ như: Khuyến khích sinh thường, không nên sinh mổ nếu không có chỉ định y khoa cần thiết; không để bà mẹ mang thai và trẻ sau khi sinh hít khói thuốc lá một cách chủ động và thụ động, tiếp xúc với ẩm mốc; bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ hen suyễn trong tương lai; không khuyến khích sử dụng rộng rãi kháng sinh phổ rộng, paracetamol cho trẻ trong năm đầu đời; giảm cân cho trẻ thừa cân/ béo phì và tránh các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, thuốc chẹn beta, thức ăn các chất phụ gia nếu biết các chất này gây triệu chứng hen...