Sử dụng chế độ "dry" trên máy điều hòa không khí
Thời tiết mưa phùn ẩm ướt khiến độ ẩm trong không khí tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, độ ẩm cao cũng có thể làm hư hại các thiết bị điện tử, nội thất và đồ dùng trong gia đình.
Máy hút ẩm là thiết bị chuyên dụng có chức năng loại bỏ hơi ẩm trong không khí. Cơ chế hoạt động của máy hút ẩm là hút không khí ẩm vào bên trong, đưa qua dàn lạnh để hơi nước ngưng tụ thành nước, sau đó thoát ra ngoài qua đường ống hoặc được giữ trong ngăn chứa. Không khí sau khi tách hơi ẩm sẽ được thổi ngược lại môi trường, giúp duy trì độ ẩm ở mức cân bằng.

Miền Bắc đang trong chuỗi ngày nồm ẩm kéo dài.
Trong khi đó, điều hòa không khí chủ yếu được thiết kế để làm lạnh hoặc sưởi ấm. Một số dòng điều hòa có chế độ hút ẩm (Dry mode), hoạt động bằng cách giảm nhiệt độ dàn lạnh để hơi nước trong không khí ngưng tụ, từ đó giảm độ ẩm trong phòng. Tuy nhiên, chức năng hút ẩm này chỉ mang tính tạm thời, không thể thay thế hoàn toàn máy hút ẩm.
KS Lê Hữu Chỉnh, chuyên gia về điện lạnh cho biết, chế độ hút ẩm của điều hòa là một tính năng được tích hợp trong các dòng điều hòa hiện đại, giúp giảm độ ẩm trong không khí mà không làm giảm nhiệt độ phòng quá nhiều. Khi bật chế độ hút ẩm, máy sẽ hoạt động tương tự như khi làm lạnh nhưng với mức độ công suất thấp hơn và quạt gió cũng sẽ không hoạt động mạnh như khi ở chế độ làm lạnh thông thường. Điều này giúp cho không khí trong phòng trở nên khô ráo hơn mà không gây cảm giác lạnh quá mức.
Cụ thể, khi bật chế độ hút ẩm, điều hòa sẽ hút không khí vào dàn lạnh, làm mát không khí để ngưng tụ hơi nước trong không khí. Sau đó, nước được thải ra ngoài qua hệ thống thoát nước của điều hòa. Quá trình này giúp giảm độ ẩm trong không khí, tạo ra một môi trường thoáng đãng và dễ chịu hơn, đặc biệt là vào những ngày có độ ẩm cao.
Có nên thường xuyên dùng chế độ hút ẩm của điều hòa? Câu trả lời là không nên sử dụng thường xuyên. Chế độ hút ẩm của điều hòa thực chất không có tác dụng làm mát mà chỉ giúp giảm độ ẩm trong không khí. Khi độ ẩm giảm, mồ hôi trên da bay hơi nhanh hơn, tạo cảm giác mát mẻ nhưng không thực sự làm giảm nhiệt độ phòng. Chế độ này chỉ nên sử dụng trong những ngày trời nồm hoặc khi độ ẩm trong phòng quá cao.
Ngoài ra, việc sử dụng chế độ hút ẩm liên tục có thể khiến không khí trở nên quá khô, gây khó chịu cho đường hô hấp, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người già. Hơn nữa, chế độ này không được tối ưu về mặt tiết kiệm điện năng như máy hút ẩm chuyên dụng.
Chuyên gia gợi ý, nếu thời tiết ẩm ướt và bạn không có máy hút ẩm, có thể sử dụng điều hòa để giảm độ ẩm bằng các cách bật chế độ Dry (biểu tượng giọt nước trên điều khiển điều hòa): Ở chế độ này, máy sẽ chạy khoảng 3-5 phút rồi nghỉ, giúp giảm độ ẩm mà không tiêu tốn quá nhiều điện năng.
Một số loại điều hòa không có chế độ Dry, nhưng bạn vẫn có thể hút ẩm bằng cách đặt nhiệt độ ở mức hợp lý. Không sử dụng chế độ sưởi (Heat) để hút ẩm. Việc dùng chế độ nóng trong môi trường ẩm có thể làm không khí trong phòng càng trở nên ngột ngạt hơn, thậm chí làm tăng độ ẩm.
Ứng phó với nồm ẩm kéo dài
Mặc dù điều hòa có khả năng hút ẩm tạm thời, nhưng về lâu dài, máy hút ẩm vẫn là giải pháp tối ưu hơn. Điều hòa có thể giúp giảm độ ẩm trong những ngày trời nồm, nhưng không thể thay thế hoàn toàn máy hút ẩm. Việc sử dụng chế độ hút ẩm của điều hòa cần có sự cân nhắc hợp lý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tiết kiệm điện năng. Nếu sống ở khu vực có độ ẩm cao kéo dài, bạn nên đầu tư một chiếc máy hút ẩm chuyên dụng để bảo vệ sức khỏe và tài sản trong gia đình.
Theo chuyên gia, trong thời gian nồm ẩm kéo dài, người dân cần tập luyện thể dục đều đặn để nâng cao sức kháng; chú ý luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở những nơi đông người; bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng vào thực đơn hàng ngày; ăn đồ chín, tuyệt đối không ăn đồ ôi thiu hay bị mốc để tránh nguy cơ bị mắc bệnh đường tiêu hóa; khi chế biến đồ ăn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; luôn giữ ấm cơ thể và hạn chế để người bị ướt khi trời mưa.
Đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tắm nước ấm và lau khô người ngay sau khi tắm để tránh bị nhiễm lạnh; nếu có dấu hiệu viêm mũi, viêm họng kéo dài, cần đi khám để điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng; hạn chế tụ tập nơi đông người để tránh bệnh truyền nhiễm.
Với thiết bị điện tử, nên để ở chế độ chờ hoặc sử dụng túi hút ẩm để bảo vệ khỏi hư hỏng do độ ẩm cao. Việc sử dụng tinh dầu có tác dụng sát khuẩn và tạo mùi thơm dễ chịu, giúp giảm bớt mùi hôi và ẩm mốc trong nhà. Một cách đơn giản khác là đốt nến để tạo nhiệt, giảm độ ẩm trong không khí và tạo mùi thơm dễ chịu.
Khi lau dọn nhà cửa, nên dùng giẻ khô, sạch và thấm hút tốt. Có thể đặt các vật liệu hút ẩm như than củi, vôi sống hoặc giấy báo ở các góc nhà, gầm giường, tủ để hút ẩm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Triệu tập 3 đối tượng liên quan vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi ở công viên | SKĐS