Sử dụng chất làm ngọt nhân tạo có an toàn?

23-09-2019 06:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều đường là xấu cho sức khỏe. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người tránh sử dụng đường và thay thế bằng chất làm ngọt nhân tạo. Nhưng loại chất làm ngọt này liệu có an toàn cho sức khỏe...

Những chất thay thế cho đường được làm từ các chất hóa học kích thích các thụ thể vị giác ngọt ở lưỡi và làm cho người dùng cảm giác đang sử dụng đường. Hầu hết các loại đường nhân tạo đều không có hoặc ít calo. Vì lý do này, chúng được sử dụng trong thức uống giúp giảm cân.

Tác hại của chất làm ngọt nhân tạo

Gây béo bụng: Theo các nghiên cứu, những người có thói quen uống soda cho thấy tăng chu vi vòng eo khi so sánh với những người không uống soda. Lý do chất làm ngọt nhân tạo soda làm thay đổi vi khuẩn có lợi trong ruột, ảnh hưởng đến hiệu quả của sự trao đổi chất của cơ thể và dẫn đến tăng cân. Một nghiên cứu khác đã được thực hiện trên các mẫu mỡ bụng được lấy từ những người thường xuyên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo phát hiện có sự gia tăng lượng glucose vận chuyển đến các tế bào. Điều này làm tăng mức đường trong máu, dẫn đến việc tích trữ chất béo trong thành bụng. Đây là nguyên nhân gây ra mỡ bụng.

Chất làm ngọt nhân tạo gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Chất làm ngọt nhân tạo gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Liên quan đến bệnh tật: Theo các nghiên cứu, một số bệnh liên quan đến việc sử dụng các loại đường nhân tạo như một số bệnh ung thư, ngay cả khi được công nhận là một sản phẩm an toàn.

Gây các vấn đề sức khỏe: Chất làm ngọt nhân tạo được làm từ các hóa chất chế biến thương mại. Sử dụng lâu dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe trong cơ thể, vì cơ thể không thể xử lý được với lượng hóa chất cao.

Tăng nhu cầu đường: Chất làm ngọt, ngay cả khi chúng không có calo, sẽ kích hoạt sự phóng thích insulin giống như ăn đường. Sự gia tăng mức insulin làm tăng nhu cầu đường.

Các vấn đề về hormon: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất làm ngọt nhân tạo ngăn ngừa sản xuất hormon GLP-1. Đây là hormon kiểm soát lượng đường trong máu và cho bạn cảm giác no khi bạn ăn. Do đó, khi giảm hormon GLP-1 làm bạn cảm thấy đói và ăn nhiều hơn. Chắc chắn ăn nhiều sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến mỡ bụng của bạn.

Hội chứng chuyển hóa: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn ở những người dùng nước ngọt nhân tạo trong chế độ ăn uống. Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các các bệnh lý, bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Tất cả những rối loạn vừa nêu xảy ra cùng lúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch chuyển hóa khác. Những nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ thức uống có vị ngọt nhân tạo có nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa gấp đôi so với những người không tiêu thụ thức uống có vị ngọt nhân tạo.

Tăng huyết áp và bệnh tim mạch: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ dùng nhiều hơn 2 phần đồ uống ngọt nhân tạo trong một ngày có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn đáng kể. Những người tiêu thụ ít nhất một phần thức uống có chất ngọt nhân tạo mỗi ngày cho thấy nguy cơ cao bị tăng huyết áp.

Tăng cân: Có bằng chứng cho thấy những người tiêu thụ thức uống có vị ngọt nhân tạo có nguy cơ tăng cân và béo phì cao hơn những người không tiêu thụ thức uống có vị ngọt nhân tạo.

Các lựa chọn thay thế

Dưới đây là một số lựa chọn các chất ngọt tự nhiên, mà bạn có thể sử dụng thay thế cho chất làm ngọt nhân tạo.

Mật ong: Mật ong nguyên chất là một trong những chất làm ngọt tự nhiên phổ biến nhất. Mật ong chứa chất chống ôxy hóa, kẽm, canxi, vitamin B6, niacin, riboflavin, phốt pho, kali, sắt và một số enzym quan trọng. Các thành phần này giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột. Một muỗng canh mật ong tươi chỉ chứa 64 calo.

Mật phong (Maple Syrup): Mật phong là thành phẩm được chế ra từ chất mủ của cây phong, một thứ cây đặc sản của vùng Bắc Mỹ như ở Mỹ và Canada. Vào mùa thu, lá phong đổi màu, toàn bộ tán lá xanh chuyển sang một màu khác, hoặc đỏ tím, đỏ hồng hoặc vàng. Hiện nay, trên 80% số mật phong cung cấp trên toàn thế giới là được sản xuất tại Canada. Mật phong có rất nhiều lợi ích cho cơ thể và chứa hơn 50 chất chống ôxy hóa.

Rượu đường erythritol: Erythritol thuộc nhóm các hợp chất được gọi là rượu đường, chỉ chứa 0,2 calo cho mỗi gam. Erythritol có thể được tìm thấy trong các thực phẩm tự nhiên như trái cây, nhưng chúng cũng đang được thêm vào tất cả các sản phẩm không đường. Mặc dù không ngọt như đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo nhưng nó không gây sâu răng và những ảnh hưởng tiêu cực khác của việc tiêu thụ đường. Các loại rượu đường phổ biến hay gặp là: Xylitol, sorbitol, maltitol, và erythritol, trong đó erythritol khác biệt hẳn với các loại còn lại. Erythritol chứa ít calo hơn các loại đường còn lại, cụ thể: đường cát: 4 calo mỗi gam; xylitol: 2,4 calo mỗi gam và erythritol: 0,24 calo mỗi gam. Erythritol không thay đổi nhiều khi đi qua hệ thống tiêu hóa và không hề gây ra bất kỳ tác động chuyển hóa có hại nào của lượng đường dư thừa hoặc các vấn đề tiêu hóa.

Cỏ ngọt Stevia: Đây là một loại cây tự nhiên được tìm thấy ở Braxin và Pêru. Stevia được làm bằng ít hoặc không có chất phụ gia hóa học. Cỏ ngọt Stevia không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và có thể giúp cải thiện sự nhạy cảm với insulin. Tình trạng này thúc đẩy cơ thể bạn sử dụng glucose để tạo ra năng lượng.

Đường dừa: Có vị rất giống đường nâu và chứa nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống ôxy hóa. Đường dừa có một chỉ số đường huyết thấp hơn đường tinh luyện, có nghĩa là nó sẽ giữ cho insulin và lượng đường trong máu của bạn ổn định hơn.


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn