Việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với PV báo SK&ĐS trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã gia tăng ở mức độ báo động.
Ông Nguyễn Xuân Dương.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm? Tác hại của việc sử dụng chất cấm đối với sức khỏe như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Nếu trước đây, sử dụng chất cấm chỉ xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, thì nay đã có ở cả các cơ sở quy mô trang trại, thậm chí còn xuất hiện ở các tập đoàn chăn nuôi lớn. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức của con người, làm nguy hại cho sức khỏe cộng đồng mà còn làm cho sản phẩm chăn nuôi trong nước bị người tiêu dùng tẩy chay thì ngành chăn nuôi cũng sẽ bị phá sản. Chính người chăn nuôi vô trách nhiệm, vô lương tâm đã làm hại cả ngành chăn nuôi chứ không phải chỉ có người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn có mức tồn dư trên 100 lần cho phép sẽ gây tác hại lớn tới sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy salbutamol, clenbuterol và ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam từ năm 2002. Người ăn phải sẽ mắc các triệu chứng như: run cơ, chóng mặt, ù tai, nhịp tim nhanh, mệt mỏi,... đồng thời có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới nòi giống sau này.
PV: Việc vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 đã quy định: Nếu hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm thì có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng, hộ trang trại từ 10-20 triệu đồng, còn các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay thuốc thú y mà có chất cấm thì phạt từ 70-100 triệu đồng, đối với tổ chức nâng mức phạt gấp đôi. Bên cạnh đó có hình thức phạt bổ sung nữa là buộc phải tiêu hủy toàn bộ các loại vật tư có chất cấm, đồng thời tiếp tục nuôi, giữ đàn lợn đến khi nào kiểm tra trong nước tiểu âm tính với chất cấm thì lúc đó mới được xuất bán. Nếu tái phạm lần 2 thì buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn hay đàn trâu, bò đó. Cũng tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt từ 10-50 triệu, phạt tù từ 6 tháng - 5 năm.
PV: Khuyến cáo của ông với người tiêu dùng, làm thế nào để phân biệt thịt sử dụng chất cấm và không sử dụng chất cấm, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm tin cậy có địa chỉ, nguồn gốc. Thêm nữa khi mua nên quan tâm đến màu sắc và sự đàn hồi của thịt. Không nên mua thịt hoàn toàn nạc, hoặc độ rắn khác thường, dù có nuôi tốt đến mấy thì thịt nạc vẫn có một ít mỡ dắt, nhưng nếu dùng chất cấm thì nó tẩy hầu như cơ bản hết mỡ. Tuy vậy, người tiêu dùng cũng đừng hoang mang quá mà quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
PV: Phải chăng việc quản lý còn buông lỏng và cần phải làm gì để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Việc tăng cường công tác kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi của các cơ quan chức năng, nhất là ở các địa phương còn chưa được chú trọng, sự lỏng lẻo trong quản lý chất salbutamol của cơ quan quản lý là khe hở làm gia tăng thêm tình hình sử dụng chất này trong chăn nuôi. Vì thế cần tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin báo, đài về sự nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với sức khỏe cộng đồng, với nòi giống người Việt và với hình ảnh của ngành chăn nuôi Việt Nam. Kiểm tra chặt chẽ tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, lưu thông, giết mổ... phát động phong trào tố giác các hành vi thì sẽ kiểm soát được tình hình. Quan trọng nhất là sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là ngành: nông nghiệp, công thương, y tế, công an và sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chúng ta mới kiểm soát được tình hình.
Trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng thuộc Bộ NN&PTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất (đạt 119%). Kết quả đã ban hành 1.198 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 21,868 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, ngày 19/10, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ triển khai đợt cao điểm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến hết Tết Nguyên đán Bính Thân. Mục tiêu là giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Trần Lâm (thực hiện)