Tác giả nghiên cứu Josiane Bourque thuộc Khoa bệnh học tâm thần Đại học Montreal (Canada) và các đồng nghiệp đã công bố kết quả này trên tạp chí Journal of Child Psychology and Psychiatry.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy mối liên quan giữa sử dụng cần sa và các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng và những thay đổi tâm trạng, hành vi. Trong nghiên cứu này, nhóm của Bourque tìm hiểu xem việc sử dụng cần sa khi ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng thế nào tới nguy cơ bị các đợt giống loạn thần (PLEs).
Nghiên cứu xem xét dữ liệu của 2.566 trẻ vị thành niên ở Canada tuổi từ 13 đến 16. Cứ mỗi năm 1 lần trong vòng 4 năm, những trẻ này hoàn thành bảng hỏi đánh giá việc sử dụng cần sa và sự xuất hiện các triệu chứng về tâm thần. Ngoài ra, trẻ cũng được thực hiện hàng loạt bài kiểm tra nhận thức đánh giá IQ, trí nhớ dài hạn và các kỹ năng kiềm chế. Nhóm nghiên cứu thấy rằng, những trẻ tăng tần suất sử dụng cần sa từ thi thoảng tới hàng tuần hoặc hàng ngày tăng 159% nguy cơ bị PLEs tái diễn so với những trẻ trong dân số chung.
“Các kết quả của chúng tôi xác nhận rằng, thường xuyên sử dụng cần sa khi ở tuổi vị thành niên thực sự có liên quan với nguy cơ bị các triệu chứng loạn thần”, Bourque cho biết. Xem xét những ảnh hưởng nhận thức do sử dụng cần sa ở vị thành niên, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, sử dụng cần sa có liên quan với các kỹ năng kiềm chế kém.