Hà Nội

Sử dụng bóng “điện” - Phương pháp mới cho người bệnh rung nhĩ

10-05-2018 19:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Rung nhĩ là một rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, đặc biệt ở người cao tuổi. Hiện nay, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể được thực hiện một số biện pháp khác.

Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học Anh đã áp dụng thành công một phương pháp mới bằng cách dùng bóng “điện” giúp người bệnh rung nhĩ giảm được thời gian phẫu thuật, biến chứng và những rủi ro khác, đồng thời mở ra hy vọng thay thế các phương pháp phức tạp hiện tại...

Rung nhĩ nguy hiểm thế nào?

Rung nhĩ là tình trạng rối loạn dòng điện trong tâm nhĩ làm co giật cơ thành dạng rung nhanh và không đều. Theo thống kê năm 2016 của Hội Nhịp tim châu Á - Thái Bình Dương, chỉ riêng tại Mỹ đã có 2,7 triệu người bị rung nhĩ, tại Anh cũng có hàng triệu người mắc bệnh lý này. Đây là bệnh hay gặp ở những người mắc bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, bị bệnh van tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim…, đôi khi gặp ở người có bệnh tim bẩm sinh hay cường giáp, người có bệnh phổi mạn tính hoặc cấp tính… Cho đến nay, nguyên nhân và cơ chế gây tình trạng rung nhĩ chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị, tình trạng rung nhĩ có thể làm cho máu được bơm nhanh hơn, dễ hình thành cục máu đông (huyết khối). Nếu cục máu đông di chuyển lên não có thể ngăn chặn việc cung cấp máu cho não gây đột quỵ. Bên cạnh đó, rung nhĩ còn làm giảm chức năng tim nên có thể làm nặng thêm bệnh tim thực tổn hay suy tim. Khi bị rung nhĩ, người bệnh thường có biểu hiện đánh trống ngực, chóng mặt, khó thở và mệt mỏi…

Bóng “điện” trong kỹ thuật mới dành cho người bị rung nhĩ.

Bóng “điện” trong kỹ thuật mới dành cho người bị rung nhĩ.

Các biện pháp thực hiện

Khi đã được chẩn đoán bị rung nhĩ, người bệnh thường được kê đơn thuốc nhằm giúp kiểm soát nhịp tim và thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Với trường hợp nặng hoặc việc điều trị bằng thuốc không đạt hiệu quả mong muốn thì người bệnh có thể được can thiệp bằng phẫu thuật. Cho đến nay, tại Anh đang thực hiện 2 biện pháp chính là sử dụng nhiệt lạnh (cryoablation) và sóng cao tần (radiofrequency catheter ablation, thường gọi là đốt điện). Với phương pháp nhiệt lạnh, các bác sĩ sẽ thực hiện đưa một quả bóng nhỏ có kích thước 28mm được luồn từ động mạch bẹn đến lối vào của mỗi tĩnh mạch phổi. Khi ở đúng vị trí, quả bóng được làm lạnh đến âm 40 độ bằng khí oxit nitơ, sau khoảng vài phút, nó sẽ đóng băng các mô tim, ngăn chặn các tín hiệu bất thường từ tĩnh mạch phổi và do đó giúp duy trì nhịp tim bình thường. Quá trình này được lặp lại cho mỗi tĩnh mạch phổi đến khi triệt tiêu hết các nguồn loạn nhịp. Tuy nhiên, GS. Richard Schilling - chuyên gia tư vấn tim mạch tại London (Anh) cho biết, kết quả của biện pháp này có thể thay đổi do phần sau của tĩnh mạch phổi mỏng hơn mặt trước, ngoài ra, do độ lạnh được quy định như nhau giữa các khu vực điều trị nên rất dễ xảy ra tình trạng có nơi thì chưa đạt mức cần thiết còn có nơi thì lại vượt quá mức cần điều trị.

Với phương pháp đốt điện, các bác sĩ sẽ cô lập điện học giữa tĩnh mạch phổi và nhĩ trái và giữa các vùng khác nhau trong tâm nhĩ bằng năng lượng sóng radio. Tại những vị trí này sẽ hình thành sẹo giúp ngăn chặn những xung điện bất thường gây ra rung nhĩ. Nhưng đây là một biện pháp khó thực hiện nên hiện nay mới được áp dụng cho một lượng nhỏ bệnh nhân.

Để khắc phục nhược điểm của cả hai phương pháp phổ biến này, các bác sĩ tại Bệnh viện St Bartholomew, Vương quốc Anh đã thành công với phương pháp mới gọi là loại bỏ rung nhĩ bằng sóng cao tần (radiofrequency balloon ablation).

Kỹ thuật mới được thực hiện thế nào?

Với kỹ thuật này, các bác sĩ cũng thực hiện đưa ống thông đầu tròn được chế tạo giống quả bóng nhỏ qua động mạch bẹn. Quả bóng nhỏ này được trang bị 10 điện cực cung cấp nhiệt chính xác đến các mô xung quanh tĩnh mạch phổi để ngăn chặn tín hiệu điện bất thường. GS. Schilling giải thích, với 10 điện cực này, những nguồn rung nhĩ được tấn công cùng một lúc chứ không phải đơn lẻ như với hai biện pháp đang được thực hiện. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp với độ dày của mô dưới mỗi điện cực, vùng nào cần điều trị lâu hơn có thể được xử lý nhiều lần mà không cần di chuyển bóng bằng cách bật hoặc tắt các điện cực. Điều này giúp bác sĩ điều chỉnh kế hoạch điều trị cho từng người bệnh và giảm thời gian phẫu thuật từ 3 giờ xuống dưới 90 phút. Dữ liệu theo dõi ban đầu cho thấy, người bệnh được cải thiện rất nhiều, họ không cần phải uống thuốc và không xuất hiện triệu chứng rung nhĩ. Người đầu tiên tại Anh và cũng là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được thực hiện biện pháp này là BS. Douglas Newberry (67 tuổi, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Princess Alexandra ở Harlow, Essex, Anh). Ông được chẩn đoán rung nhĩ và cuộc sống bị thay đổi khi ông không thể hoàn thành bài tập thể dục, đi thang máy thay vì thang bộ và chóng mặt xảy ra. Khi điều trị, ông được khuyên thực hiện kỹ thuật mới và trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật, sức khỏe của ông đã hồi phục. Ông cho biết, ông đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc sức khỏe cho nhiều người và giờ đây đã nhận được dịch vụ tốt nhất từ y tế Anh.

Các nhà khoa học Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều trị cho 30 bệnh nhân Anh và 50 bệnh nhân trên toàn thế giới bằng phương pháp này, tiến tới biến nó trở thành thường quy tại các bệnh viện để nhiều người bệnh rung nhĩ được điều trị hơn.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn