Theo các chuyên gia nhãn khoa thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Atropine là một hoạt chất kháng cholinergic. Atropine hoạt động bằng cách đối vận thụ thể Muscarinic không chọn lọc. Là thành phần có tác dụng hạn chế điều tiết của mắt từ đó làm chậm lại tốc độ tăng chiều dài trục nhãn cầu và hạn chế tiến triển cận thị.
Nhiều nghiên cứu cho thấy liều thấp Atropine có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển của cận thị ở trẻ em. Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện trong 5 năm, trên 400 trẻ cận thị được điều trị với Atropine 0,5%; 0,1%; 0,01% nhỏ mắt một lần trong ngày trên hai mắt với tỉ lệ 2:2:1. Kết quả, atropin 0,01% có hiệu quả hơn trong làm chậm tiến triển cận thị và ít tác dụng phụ hơn so với liều cao.
David Epley, một bác sĩ nhãn nhi ở KirKland (WA,US), tham gia nghiên cứu về điều trị Atropine liều thấp và chỉ định trong điều trị kiểm soát cận thị của mình. Ông cho hay, đối với hầu hết trẻ em – khoảng 90% trẻ có tốc độ tiến triển cận thị giảm hoặc chậm lại khoảng một nửa. Khoảng 99% trẻ em được điều trị bằng Aropine nồng độ thấp không có tác dụng phụ, 1% trẻ có đỏ mắt nhẹ. Điều trị càng sớm thì càng hạn chế được nguy cơ gặp phải các vấn đề thị giác.
Trẻ em bị cận thị được điều trị bằng Atropine liều thấp vẫn cần mang kính. Khi ngừng điều trị Atropine, cận thị có thể tiến triển trở lại vì vậy bố mẹ cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra.
Theo các chuyên gia kiểm soát cận thị, Atropin có một số công dụng chẳng hạn như làm giãn đồng tử, liệt điều tiết… Liều thấp Atropine (nồng độ 0,01%) trên cận thị trẻ em được phát hiện vô tình bởi các nhà nghiên cứu Singapore. Họ nghiên cứu về tác dụng phụ của Atropin ở các nồng độ khác nhau. Một nhóm của họ nghiên cứu Atropin ở liều thấp để so sánh thì phát hiện ít tiến triển của cận thị.
Hay, một nghiên cứu LAMP đã nghiên cứu về hiệu quả của Atropine nồng độ thấp và tác dụng phụ của nó trong 3 năm từ 2019 đến 2021. Kết quả cho thấy hiệu quả rõ rệt của Atropine nồng độ thấp trong việc kiểm soát cận thị và tác dụng phụ không đáng kể nếu sử dụng thuốc lâu dài để kiểm soát cận thị. Các nồng độ thuốc (0.01%, 0.025%, 0.05%) đều không có ảnh hưởng gì đến chất lượng và thị lực của trẻ nên bố mẹ có thể an tâm về phương pháp kiểm soát này.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, phương pháp nhỏ Atropine 0.01% hàng ngày thường được bác sỹ chỉ định cho những trẻ em cận thị trong độ tuổi từ 6 – 15, độ cận tối thiểu 0,5 đi-ốp và có tốc độ cận thị gia tăng nhanh. Atropine nồng độ thấp có hiệu quả làm chậm quá trình tiến triển cận thị khoảng 30-50% so với ở trẻ em không sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đây là loại thuốc khuyến cáo sử dụng theo đơn, liều lượng, thời gian và cách nhỏ thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Để khám và đưa ra phác đồ kiểm soát cận thị đạt hiệu quả cao, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám các chuyên khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn nhằm tư vấn, hướng dẫn cách điều trị, theo dõi chính xác. Đồng thời, cần giúp trẻ thay đổi các thói quen sinh hoạt để cải thiện tình trạng tăng độ cận như cho trẻ ra ngoài trời nhiều hơn, hạn chế xem tivi và các thiết bị điện tử, ngồi học thẳng lưng…