Sử dụng aspirin sau cơn đột quỵ nhỏ giúp phòng tránh đột quỵ lớn

24-05-2016 20:23 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng uống aspirin ngay sau khi bị đột quỵ nhẹ có thể giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ nặng.

Ngay sau khi bị độ quỵ nhẹ, bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ nặng cao hơn gấp 1000 lần so với những người bình thường.

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 56.000 người. Các nhà nghiên cứu thấy rằng dùng aspirin sau đột quỵ nhẹ, hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), làm giảm 70-80% nguy cơ bị đột quỵ gây tàn phế hoặc tử vong trong vài ngày hay vài tuần tiếp theo.

Nghiên cứu này được công bố trên tờ The Lancet.

Những kết quả này khẳng định hiệu quả của việc điều trị khẩn cấp sau TIA và chỉ ra rằng aspirin là một thành phần quan trọng nhất. Điều trị ngay lập tức với aspirin có thể giảm đáng kể nguy cơ và độ nặng của đột quỵ tái phát sớm.

Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa đối với các bác sĩ, những người nên kê đơn aspirin ngay lập tức nếu nghi ngờ bệnh nhân bị TIA thay vì chờ đợi đánh giá và kiểm tra của chuyên khoa.

Kết quả nghiên cứu cũng có ảnh hưởng tới giáo dục cộng đồng. Trong khi các chiến dịch giáo dục sức khỏe cộng đồng tuyên truyền rằng mọi người cần được trợ giúp y tế sau đột quỵ lớn, song người bệnh ít khi đi khám bác sĩ sau cơn đột quỵ nhỏ.

Theo các tác giả, việc khuyến khích mọi người dùng aspirin nếu họ nghĩ rằng họ bị TIA – khi có những triệu chứng thần kinh không bình thường khởi phát đột ngột, có thể giúp giải quyết tình trạng tái phát đột quị nặng, đặc biệt nếu không có sẵn sự trợ giúp y tế.

Các phát hiện cho thấy bất cứ ai có các triệu chứng đột quỵ, nếu có thể, hãy uống aspirin liều 300 mg.

Các triệu chứng của cơn đột quỵ nhẹ và đột quỵ nặng là tương tự và bao gồm:

- Tê hoặc yếu cơ, thường ở một bên của cơ thể

- Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói

- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng

- Nhìn đôi hoặc khó nhìn bằng một hoặc hai mắt

Các triệu chứng của đột quỵ nhẹ thường chỉ kéo dài vài phút hoặc nhưng cũng có thể kéo dài tới 24 giờ.


BS Cẩm Tú/Univadis
Ý kiến của bạn