Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: cadmium (Cd) là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người (hai thứ còn lại là chì và thủy ngân).
Cd xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm và nước uống
Cadmium được một nhà bác học Đức tìm ra năm 1817, có số thứ tự 48 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học của nhà khoa học D.I.Mendeleev (1834-1907). Trong ngành dược có sử dụng một hợp chất: cadmium sulfide với một số tên biệt dược như: biocadmio, buginol, capsebon, mirador... để dùng ngoài da, chống tiết bã nhờn. Cd có nhiều ở trong đất, nó dễ dàng chuyển từ đó lên các cây: ngũ cốc và rau quả. Con đường chủ yếu mà Cd xâm nhập vào cơ thể là thông qua thực phẩm và nước uống.
Nguồn Cd có trong môi trường có thể tăng đột biến do sự bùng nổ của các ngành công nghiệp khai thác, luyện kim, làm pin, chạy lò phản ứng... và gây nhiễm độc cho những người dân sống ở địa phương đó. Ở Nhật Bản, năm 1946, một số cư dân thuộc Jintou đã mắc bệnh itai-itai, một căn bệnh có biểu hiện bán cấp nhiễm độc Cd. Ở Pháp, tháng 9/1999, dân chúng sống tại quận 15 thành phố Marseille xôn xao vì lo sợ khi ăn rau quả tại địa phương trồng trọt và thu hái. Nhà máy TLM ở vùng đó chuyên sản xuất dây đồng và trong quy trình có sử dụng Cd. Cơ quan địa phương về các vấn đề xã hội (DRASS) đã thử phân tích không khí trong vùng và cũng khẳng định là có Cd. Tuy nhà máy cam đoan trong quá trình chế tạo sản phẩm, chất Cd đã được thay thế từ lân bằng magnesium. Nhưng DRASS vẫn kết luận là Cd đã thấm sâu vào lòng đất và tập trung rất nhiều trong các loại thực vật. Qua kiểm tra sức khỏe một số người và đi dến nhận định đáng sợ Cd đã tích tụ trong cơ thể nhiều người từ hơn 10 năm nay, đặc biệt là ở thận, đó là cơ quan đầu tiên mà Cd phá hủy. Đã có khoảng 70 học sinh trong khu vực xuất hiện chứng nhiễm độc Cd: nôn mửa, tiêu chảy, trong đó có hai trường hợp nguy kịch. Nhà máy TLM bị lôi ra vành móng ngựa(!). Gần đây, một số báo chí nước ngoài và một số phương tiện truyền thông đưa tin về việc một loại gạo thơm của Thái Lan (Josmin) bị nhiễm độc Cd, tin tức này chưa được xác thực.
Cd phong bế một số vi chất
Theo các nhà khoa học, Cd gây ngộ độc do phong bế một số vi chất có tác dụng sinh học:
- Canxi (Ca): Cd cạnh tranh với Ca trong calmodulin (chất có tác dụng điều chỉnh các hoạt động trong tế bào). Cd gây chứng loãng xương. Những tổn thương về xương làm cho người bị nhiễm độc đau đớn ở vùng xương chậu và hai chân.
- Các nguyên tố kẽm (Zn), sebon (Sn), sắt (Fe) bị Cd cạnh tranh. Các nguyên tố vi lượng trên tham gia vào thành phần cấu tạo của hàng trămloại men sinh hoá, tạo máu và nhiều chức năng trong hoạt động sống của con người. Khi có sự tranh chấp dẫn đến sự đảo lộn của nhiều quá trình sinh học trong cơ thể, gây nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau và có thể gây tử vong.
Cd gây bệnh
Có nhận xét nhóm người thường xuyên tiếp xúc với Cd có tỷ lệ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi cao hơn rõ rệt so với người khác.
Bình thường lượng Cd đối với nguời cho phép từ 20 - 40microgram/ngày, trong đó chỉ 5-10% thực sự vào cơ thể. Tiếp xúc dài ngày trong môi trường có chứa Cd hoặc ăn loại hạt (gạo, ngô), rau quả có chứa lượng Cd cao sẽ gây nhiễm độc mạn tính. Tùy theo đường xâm nhập vào cơ thể và tình trạng sức khỏe của từng người với lượng Cd cao có thể bị nhiễm độc cấp, nếu qua đường hô hấp, trong vòng 4-20 giờ sẽ cảm thấy đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, hơi thở nặng mùi còn nếu nhiễm Cd qua đường tiêu hoá sẽ thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài. Riêng nhiễm độc Cd mạn, có thể gây vàng men răng, tăng men gan đau xương, xanh xao, thiếu máu, tăng huyết áp và nếu có thai sẽ làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi.
Tốt nhất là phòng ngừa
Cd tồn tại trong cơ thể từ 10-30 năm nên gây bệnh âm thầm và kéo dài. hiện chưa có phương pháp giải độc hữu hiệu, do đó phòng ngừa nhiễm độc Cd là chủ yếu, tránh việc tạo ra Cd làm ô nhiễm môi trường, khuyên mọi người không nên ăn các thực phẩm nghi ngờ có Cd vượt ngưỡng cho phép nếu phải tiếp xúc với Cd cần có biện pháp phòng ngừa tích cực.
DSCKII: Phạm Nga