Nghệ thuật bình dân
Rất nhiều bảo tàng dân gian trên thế giới, nhất là ở châu Âu và châu Á còn lưu giữ được những bức tranh thêu chữ thập cổ xưa trên vải Aida. Từ công dụng trang trí cho các mặt hàng như khăn lau chén đĩa, các vật dụng làm từ vải lanh dùng trong gia đình và khăn lót ly tách, tranh thêu chữ thập đã phát triển thành những mặt hàng mang tính nghệ thuật cao được treo trang trọng trong các tư gia, địa điểm tiếp khách thể hiện được tính lịch sự, trang nhã.
Điều đặc biệt của tranh thêu chữ thập là chỉ bằng đường kim mũi chỉ, những hoạt động của đời sống lần lượt được tái hiện một cách mềm mại, sinh động. Tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử, quê hương, hoa cỏ, phong cảnh, thú cưng, túi đựng điện thoại… đều trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho dòng tranh này. Hành trình đến với đất nước Việt Nam đã giúp tranh thêu chữ thập sáng tạo nên những chủ đề độc đáo như tĩnh vật, biển đảo, các chủ đề dân gian, hoa sen...
Vẫn giữ nguyên giá trị giản dị, hữu ích cho cuộc sống từ khi ra đời đến nay, tranh chữ thập dần trở thành một trong những hoạt động từ thiện sôi nổi ở Việt Nam. Các dự án, lớp học, kênh thông tin về dòng tranh thêu này nhanh chóng phát triển ở nhiều địa phương, là cầu nối để các cá nhân, đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Tranh thêu chữ thập cũng được coi là món quà thể hiện tình cảm sâu sắc và ý nghĩa mà nhiều bạn trẻ ngày nay chọn lựa.
Tranh thêu đồng quê. |
Nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt
Phần lớn những bức tranh thêu chữ thập được nhiều người yêu thích tại Việt Nam đều mang đậm bản sắc, hồn cốt và nhất là nét đẹp trong sự khéo léo của người phụ nữ Việt. Ẩn trong những bức tranh thêu chữ, cửu ngư, uyên ương, chim công là ẩn chứa những nét tính cách đáng quý của người phụ nữ: sự tỉ mẩn, gửi gắm những ước mơ, tình cảm, sự khéo léo, chịu thương chịu khó.
Nhẹ nhàng mà tinh tế, mộc mạc mà có hồn, những sản phẩm tranh thêu chữ thập tinh tế, giàu giá trị nghệ thuật ngày nay được nhiều phụ nữ Việt Nam dành công sức học hỏi và sáng tạo nên. Không những các nghệ nhân, mà cả những người phụ nữ bình thường cũng có thể thêu tranh để làm đẹp cho căn nhà của mình, để làm tặng phẩm cho người khác. Bằng sự tinh tế của tâm hồn và khéo léo của đôi bàn tay, những truyền thống tốt đẹp của cha ông, hình ảnh lao động của cư dân lúa nước đập lúa, chèo thuyền, vượt biển, rồi hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó chăn trâu, cắt cỏ, tát nước trở nên sinh động trong tranh thêu chữ thập...
Không chỉ phản ánh thực tế, tranh thêu chữ thập còn gửi gắm ước mơ về một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc. Chỉ có tình yêu quê hương, đất nước và con người sâu sắc mới có thể giúp người phụ nữ hoài thai ra những bức tranh thêu đậm chất thuần Việt đến như vậy. Những kỹ thuật thêu, cách phối màu sẽ trở nên vô nghĩa khi tâm hồn con người không thấm nhuần và khắc sâu ấn tượng về bản sắc Việt.
Sa Nam