Tử vong do đâu?
Theo đó, về sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức các phiên họp Hội đồng chuyên môn theo Quyết định số 10544/QĐ-SYT ngày 18/10/2019 và Quyết định số 10730/QĐ-SYT ngày 23/10/2019 của Giám đốc Sở Y tế nhằm phân tích nguyên nhân, kết luận có hay không có sai sót chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam. Thành phần Hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực có liên quan như: Gây mê hồi sức, Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc và Phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi thảo luận, phân tích các dữ kiện và trên cơ sở khuyến cáo của các hội chuyên môn, Hội đồng chuyên môn đã kết luận: Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas: nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân V.N.A.T (sinh năm 1986) sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực (ngày 17/10/2019) là: Suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi ngạt dẫn đến ngừng tim; Rối loạn nhịp tim nặng do block dẫn truyền ở trong tim trên người bệnh có nhịp xoang chậm trước mổ. Sai sót chuyên môn trong trường hợp này là do bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ; bên cạnh đó, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về tim mạch, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chưa có quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật nên khó phát hiện khi người bệnh trở nặng để xử trí kịp thời; về hồ sơ bệnh án ghi chép còn sơ sài, chưa thể hiện được chẩn đoán sơ bộ và hướng xử trí phù hợp.
Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam, nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân C.T.L (sinh năm 1960) sau phẫu thuật căng da mặt (ngày 11/10/20190 là do sốc phản vệ (mức độ 3-4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật. Bệnh viện đã chẩn đoán phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng và các bước xử lý phù hợp theo phác đồ điều trị.
Quyết định cấp cho bác sĩ Đinh Viết Hưng hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Đồng Nai xác nhận giả mạo hoàn toàn. Ảnh: Hạnh Dung
Chuyển cơ quan điều tra
Từ 2 sự cố y khoa xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu 2 bệnh viện tổ chức họp để phân tích sai sót, rút kinh nghiệm toàn bệnh viện để tránh lặp lại sự cố tương tự. Củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát sự tuân thủ các quy định chuyên môn trong khám chữa bệnh, quy chế hồ sơ bệnh án của nhân viên y tế, đặc biệt là công tác gây mê hồi sức. Xây dựng lại chức năng nhiệm vụ của từng vị trí hành nghề trong bệnh viện (bác sĩ trực, bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại khoa, điều dưỡng phòng mổ). Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo 2 bệnh viện phải thực hiện báo động đỏ liên viện đến bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ kịp thời khi có tình huống người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch.
Đối với trường hợp bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Emcas có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp, hiện nay, Thanh tra Sở Y tế đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ này và đang thực hiện các thủ tục chuyển cơ quan điều tra, do vậy, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Emcas chấm dứt ngay hợp đồng và tiến hành rà soát chứng chỉ hành nghề đối với tất cả nhân viên đang làm hợp đồng tại bệnh viện, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế để cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu nhằm phục vụ cho công tác điều tra, xử lý.
Về hoạt động đánh giá chất lượng các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ và các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: Phòng Nghiệp vụ Y phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về gây mê hồi sức, phẫu thuật và Hội phẫu thuật thẩm mỹ triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ trong đợt đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019, trong đó kết hợp kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật theo quy định mới đây của Bộ Y tế. Đồng thời, có kế hoạch đánh giá chất lượng lần thứ 2 các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2020. Kết quả đánh giá chất lượng các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ sẽ được bổ sung và cập nhật vào ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh của Sở Y tế và công khai trên Cổng thông tin điện tử để người dân biết để chọn lựa.
Chứng chỉ hành nghề giả - Nỗi lo thật
Trở lại vụ việc bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Emcas có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp theo hồ sơ mà Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cung cấp, ông Hưng đã có CCHN do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cấp vào tháng 5/2013 (số chứng chỉ: 009047) với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám, chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Đến tháng 4/2017, vị bác sĩ này làm thêm chứng chỉ bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về tạo hình - thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp.
Tuy nhiên, BS. Nguyễn Mạnh Dũng - Chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ của các cá nhân đăng ký cấp CCHN, cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh không có hồ sơ tên Đinh Viết Hưng. Quyết định số 009047/QĐ-SYT ngày 20/4/2017 của Sở Y tế Đồng Nai cấp cho ông Đinh Viết Hưng là giả mạo.
Cụ thể, Quyết định cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn (số 009047) được lấy y nguyên số quyết định đã được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cấp trong CCHN cho ông Đinh Viết Hưng (số chứng chỉ 009047/HCM-CCHN) từ năm 2013. Thực tế, việc cấp số trong quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề của Sở Y tế Đồng Nai được cấp số quyết định riêng, không trùng với số cấp trong CCHN.
Ngoài ra, tại mục “xét đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai” tại thời điểm như trong quyết định (ngày 20/4/2017), việc thẩm định xét hồ sơ của Sở Y tế Đồng Nai được giao cho Trưởng phòng Quản lý hành nghề chứ không phải Trưởng phòng Nghiệp vụ như trong quyết định. Bởi đến tháng 5/2019, Sở Y tế Đồng Nai mới tiến hành sáp nhập các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở thành Phòng Nghiệp vụ.
Trong việc soạn thảo và ban hành văn bản, Sở Y tế Đồng Nai cũng quy định trong tất cả các văn bản của các phòng, ban chuyên môn của Sở, trước khi trình Giám đốc Sở ký phải có “chữ ký nháy” của trưởng phòng ở dòng cuối cùng của văn bản. Tuy nhiên, trong bản “quyết định giả” hoàn toàn không có chữ ký nháy của Trưởng phòng Quản lý hành nghề vào thời điểm như trong quyết định.
Còn con dấu và chữ ký của BS. Huỳnh Minh Hoàn (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khi đó) cũng hoàn toàn giả mạo. Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý đối với đối tượng có hành vi giả mạo theo đúng quy định.
Trả lời báo chí, TS.BS. Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nói: Khi nhân viên y tế làm giả các loại giấy tờ từ bằng đến chứng chỉ hành nghề, Sở Y tế phát hiện sẽ chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Y tế Đồng Nai thường xuyên rà soát, kiểm tra các loại giấy tờ của người đăng ký hành nghề để phát hiện kịp thời những trường hợp xử lý văn bằng không đúng.
Từ vụ việc bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Emcas có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp, có thể thấy rõ mối lo tiềm ẩn về việc có hay không xuất hiện tiền trạng giấy chứng chỉ hành nghề giả? Bởi lẽ nhiều người mong muốn sở hữu có một chứng chỉ hành nghề giả do họ thiếu tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ hành nghề, khi “cầu” có ắt sẽ xuất hiện “cung”. Báo SK&ĐS sẽ trở lại vấn đề này trong các số báo tới.