Sự cố y khoa ở Hòa Bình: Shock cho người nhà bệnh nhân, trầm cảm cho người điều trị

31-05-2017 08:51 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Lần đầu tiên bệnh nhân của tôi tử vong đột ngột, tôi đã thẫn thờ gần 2 tuần và cứ nghĩ về bác đó. Cũng may là các đồng nghiệp luôn hỏi thăm và khuyến khích tôi nói ra những suy nghĩ của mình....

Trong khi chuyện 7/18 bệnh nhân tử vong một lúc trong sau khi chạy thận nhân tạo đang chờ các cơ quan chức năng tìm hiểu, thì các phái đoàn, quan chức lớn, chuyên viên đã đến nơi tìm hiểu và rất nhiều bài báo đăng tin.

Nhưng có một chuyện ít được báo chí và mọi người quan tâm là cảm giác của những bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên chăm sóc các bệnh nhân này sau chuyện này xảy ra...

Bạn hãy hình dung cảnh xoa bóp ngoài lồng ngực (CP) cùng một lượt gần chục người và từng bệnh nhân lần lượt ra đi, ai mà không shock, nhất là các bác sĩ và điều dưỡng đã từng chăm sóc các bệnh nhân này...

Khi bệnh nhân tử vong bất ngờ (như trường hợp này), các BV tại Mỹ đều có các quy trình (protocol) để phân tích tìm hiểu, trong đó có cách chăm sóc và theo dõi các bác sĩ/ y tá vì bị shock tinh thần và trầm cảm sau này. Các nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của theo dõi và tư vấn trầm cảm cho nhân viên y tế trong những trường hợp như vậy vì các ám ảnh này sẽ mang theo suốt đời.

Lãnh đạo ngành y tế thăm hỏi bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Hòa Bình chuyển về BV Bạch Mai điều trị.

Lần đầu tiên bệnh nhân của tôi tử vong đột ngột, tôi đã thẫn thờ gần 2 tuần và cứ nghĩ về bác đó. Cũng may là các đồng nghiệp luôn hỏi thăm và khuyến khích tôi nói ra những suy nghĩ của mình. Vì làm bác sĩ, ai cũng tự hỏi "Có phải lỗi của mình không?" và "Mình đã có thể tránh phải không?" Một bác sĩ nội trú khác đã phải xin nghỉ làm 6 tháng vì bị trầm cảm sau khi bệnh nhân tự tử trong ca trực mà phân tích sau này cho thấy anh này không có lỗi gì cả.

Trở lại câu chuyện 7/18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong, tôi nghĩ ngoài những người thân và bệnh nhân bị shock, chính các bác sĩ và điều dưỡng chữa trị cũng đang bị shock. Họ cũng cần được chữa trị và tham vấn...

Và quan trọng hơn, các lời đồn thất thiệt, các phỏng đoán mơ hồ, các "bác sĩ bàn phím" nên dừng lại để chờ thêm thông tin chính thức.


Bs. Wynn Huynh Trần (từ Los Angeles, California)
Ý kiến của bạn