Năm 2013 được xem là một năm “vận hạn” của ngành y tế Việt Nam với nhiều sự cố được thông tin ồn ào trên báo chí. Nếu phải nhìn lại những sự cố này dưới góc độ truyền thông, điều cần làm đó là tìm hiểu trong những sự kiện đó người làm báo đã tác nghiệp như thế nào? Bao nhiêu sự cố được thông tin đúng mức? Quá đà và không đúng sự thật? Có thể cần một nghiên cứu học thuật hẳn hoi để giải đáp rạch ròi những câu hỏi này, nhưng trước khi có một nghiên cứu như thế, người viết xin lạm bàn một số chuyện từ hiểu biết và thực tế.
Báo chí trước nhiều áp lực
Tháng 9/2008, vụ việc trẻ bị sạn thận và tử vong do uống sữa nhiễm melamine tại Trung Quốc (nơi bắt nguồn sự kiện) là một đề tài hấp dẫn cho giới truyền thông trong nước. Trên mặt báo, sữa nhiễm melamine được gọi bằng những cái tên “thần chết”, “sữa tử thần”, “sữa nhiễm độc”, “sữa gây sạn thận”...
Trang bị kiến thức y tế cho các nhà báo là cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa y tế và báo chí.
Vì điều này mà xã hội Việt Nam bị hoảng loạn nhất định. Nhiều bà mẹ vội vàng mang trẻ đi bệnh viện kiểm tra sạn thận, nhiều nông dân nuôi bò phải đổ bỏ sữa vì không ai thu mua sản phẩm, nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh sữa lao đao vì người dân tẩy chay mọi loại sữa.
Nhưng khi sự cố qua đi, nhìn lại mới thấy chẳng có trẻ em Việt Nam nào bị sạn thận hay tử vong vì sữa nhiễm melamine. Chỉ là sự ồn ào của báo chí, ồn ào đến mức khi đó Bộ Y tế phải gửi Công văn (6696/BYT-ATTP, ngày 27/9/2008) cho Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị báo chí không được tuyên truyền một chiều, cường điệu hóa vấn đề, gây hoang mang cho người dân và thiệt hại cho xã hội.
Năm 2010, khi thực hiện đề tài tốt nghiệp cao học truyền thông khoa học (science communication) về sự kiện này (*), người viết phỏng vấn một số phóng viên y tế tham gia thông tin sự kiện và ghi nhận được vài câu trả lời đáng chú ý: “Nếu tôi không viết giật gân, không dùng từ ngữ tiêu cực, tòa soạn khó đăng tin/bài của tôi”, “Báo nào cũng chạy đua thông tin, tôi không làm như thế, sếp sẽ khiển trách tôi!”, “Tôi biết báo chí cần bình tĩnh, tìm hiểu cặn kẽ, thông tin đa chiều, nhưng làm như thế rất mất thời gian mà tòa soạn lại luôn gây áp lực cho tôi”...
Hơn bao giờ hết, báo chí ngày nay đang đối mặt với nhiều áp lực, trong đó những áp lực lớn nhất là cạnh tranh thông tin, phục vụ thị hiếu người đọc, tính thương mại hóa báo chí. Trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, mọi tòa soạn báo đều đứng trước áp lực thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn. Trong thời đại ẩn chứa nhiều nguy cơ như hiện nay, người đọc nào cũng có nhu cầu nhận biết những nguy cơ rình rập quanh mình để có biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh. Và trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông như hiện nay, sự sinh tồn của tờ báo được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chính vì thế, chẳng có gì lạ khi những “sự cố y khoa” (giới truyền thông thích gọi là “tai biến y khoa”) được báo chí chú ý khai thác nhiều. Chuyện một bác sĩ cứu người dưới góc độ báo chí thương mại khó hấp dẫn bằng chuyện một bác sĩ hại người. Bệnh viện cứu người là chức năng của họ, báo chí thương mại nghĩ như thế, nhưng nếu bệnh viện gây chết người đó lại là chuyện đáng quan tâm!
Để giải quyết tốt vấn đề, có lẽ nên nhìn vấn đề đó một cách thấu đáo và rộng hơn. Một nghiên cứu của Larsson, A. và đồng nghiệp vào năm 2003 cho thấy, nhà báo y tế đứng trước 9 rào cản khi tác nghiệp (**). Đó là: thiếu thời gian, không gian và kiến thức, cạnh tranh không gian và độc giả, không hiểu thuật ngữ chuyên môn, không tìm được nguồn phát ngôn, nhà báo có vấn đề với người quản lý mình trong tòa soạn và tính thương mại hóa báo chí, trong đó thiếu thời gian, không gian và kiến thức là những trở ngại lớn nhất. Nghiên cứu này dựa trên việc phỏng vấn 148 nhà báo y tế của 37 quốc gia phát triển, những nhà báo trung bình có 10 năm viết báo y tế, thậm chí có người hành nghề hơn 20 năm.
Làm việc ở những quốc gia có nền báo chí phát triển, những nhà báo này còn thấy khó khăn như thế, huống hồ gì những nhà báo y tế nước ta chưa được trang bị đủ kiến thức về ngành nghề và hiểu biết về lĩnh vực mà họ phụ trách.
Nhu cầu được huấn luyện của nhà báo y tế
Trong đề tài tốt nghiệp ra trường, khi phỏng vấn một số nhà báo y tế nhân sự kiện sữa nhiễm melamine, người viết cũng nhận được những khao khát tiếp thu kiến thức và thực hành nghề nghiệp từ phía người viết báo. “Những gì tôi học từ trường báo chí thiên về lý thuyết và ít ứng dụng. Tôi cần được học những kiến thức mới và thực tế sinh động để làm việc tốt hơn”, một nhà báo trả lời.
Những lớp tập huấn sẽ cung cấp cho các phóng viên báo chí hiểu biết cần thiết về lĩnh vực y tế.
Cũng như người thầy thuốc, người làm báo cũng cần được huấn luyện liên tục trước những phát triển vũ bão của lĩnh vực truyền thông. Người viết có may mắn được tham dự Đại hội Nhà báo khoa học thế giới 2011 (diễn ra tại Qatar) và 2013 (tại Phần Lan) do Liên đoàn những nhà báo khoa học quốc tế (World Federation of Science Journalists) tổ chức. Trước đại hội chính thức, Ban tổ chức thường dành một ngày huấn luyện những nhà báo khắp nơi trên thế giới về nghiệp vụ, trong đó có chủ đề tìm hiểu nguy cơ, ý nghĩa con số thống kê... Đâu phải ngẫu nhiên mà một đại hội thế giới tầm cỡ ban tổ chức lại dành thời gian nói chuyện này. Đơn giản vì nếu nhà báo khoa học (trong đó có nhà báo y tế) hiểu sai nguy cơ hoặc con số thống kê, tác phẩm báo chí của họ sẽ tạo ra những tác động tiêu cực khó lường.
Tại nước ta, có lẽ nhiều nhà báo y tế chưa được tiếp cận những kiến thức như thế, do đó bất chấp những giải thích của giới chuyên môn, những sự cố y khoa, sự cố sau tiêm chủng thường khó được giới báo chí thấu hiểu và được dẫn dắt sang chiều hướng khác. Trang bị kiến thức cho nhà báo y tế thật sự là cần thiết.
Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thấu hiểu giới y khoa để có cái nhìn chỉn chu hơn. Sau những sự cố y khoa thông tin rộng rãi cho công chúng, dường như khoảng cách giữa ngành y tế và báo chí, người thầy thuốc và người làm báo nới rộng nhiều hơn. Hai giới dễ nhìn nhau bằng cặp mắt e dè, thiếu thiện cảm. Người thầy thuốc sẽ nhìn người nhà báo: “Họ là những người chuyên tìm kiếm sai sót của chúng ta, vì thế phải cảnh giác cao độ!”, “Họ chẳng hiểu biết gì về sự cố y khoa, làm cho hình ảnh của chúng ta xấu đi trong mắt công chúng”. Ngược lại, người nhà báo sẽ suy nghĩ về người thầy thuốc: “Những sự cố được phát hiện là số ít, chắc chắn còn nhiều sự cố nữa chưa phát hiện”, “Họ làm sai mà còn giỏi ngụy biện!”. Tình trạng không hiểu nhau này chỉ gây hại cho công chúng, những người cần được thông tin chính xác để có những quyết định cá nhân đúng đắn.
Xung đột y học (nhìn chung là khoa học) và báo chí là chuyện thường tình ở những quốc gia tiên tiến. Để giải quyết chuyện này, người ta thường mời hai giới ngồi lại nói chuyện với nhau, nêu ra những hiểu biết của giới này cho giới kia để cùng giải tỏa. Hoặc mời nhà báo y tế vào tham quan một bệnh viện để thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người thầy thuốc, để hiểu được vì sao bệnh viện thường được xem là thế giới ẩn chứa nhiều rủi ro, qua đó có thể nhìn sự cố y khoa trong bối cảnh rộng hơn. Ngược lại, cũng nên mời người thầy thuốc tham quan một tòa soạn báo chí để hiểu được sức ép công việc của người làm báo, từ đó cần thiết hợp tác với người làm báo để giúp công chúng có cái nhìn chỉn chu hơn về sự cố y khoa.
Nhưng ai sẽ làm điều này? Có lẽ phải cần đến những sáng kiến của Bộ Y tế, Sở Y tế của những thành phố lớn có mạng lưới bệnh viện dày đặc (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), những bệnh viện hàng đầu. Những lớp tập huấn báo chí y tế về truyền thông HIV/AIDS, phòng chống tác hại của thuốc lá hàng năm là cần thiết. Nhưng cũng cần thiết không kém đó là những lớp tập huấn báo chí y tế về đánh giá nguy cơ, hiểu đúng con số thống kê trong y khoa, tai biến y khoa...
Chắc chắn ngành y tế cần giới báo chí có một cái nhìn chỉn chu hơn về sự cố y khoa nói riêng và ngành của mình nói chung. Vậy hãy bắt đầu từ việc giúp người làm báo hiểu đúng vấn đề.
Phan Kim Sơn (Nhà báo y tế - ThS Truyền thông khoa học)