Hà Nội

Sự cố lọc máu Hòa Bình:"Thầy thuốc trông vợ tôi đến 2h đêm mới thay ca"

03-06-2017 21:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Những cái nắm tay thật chặt, những lời nói chứa đựng tinh thần trách nhiệm của những người thầy thuốc với người nhà bệnh nhân trước sự sống mong manh của người thân họ như liều thuốc tinh thần vừa giúp cho người nhà yên tâm, thầy thuốc vững vàng hơn trong công cuộc cam go giành giật sự sống.

 

Khoảnh khắc ấy tôi ghi được khi cùng TTND-GS.TS Nguyễn Gia Bình Trưởng khoa Hồi sức tích cực , Bệnh viện Bạch Mai cùng đoàn bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai xuống BVĐK Hòa Bình hõ trợ cấp cứu cho bệnh nhân N.T.B.N - người bệnh nặng nhất  trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017 chưa thể chuyển xuống Hà Nội do tình trạng quá nặng.

Đứng nhìn vợ với xung quanh mình đủ các loại máy móc hiện đại nhất và sự chăm sóc đặc biệt 24/24h của nhân viên y tế anh Lương Tiến Dũng chồng chị N đôi mắt thất thần, đượm buồn, trũng sâu vì những đêm không ngủ.

Đã 10 năm nay, anh cùng chị đi chạy thận trong đó 3 năm ở Hà Nội và 7 năm ở BVĐK tỉnh, trong suốt 10 năm đó ở thị trấn Lương Sơn nơi anh chị sinh sống ai ai cũng khâm phục  anh, dù mưa hay nắng, dù ở Hà Nội hay ở BVĐK Hòa Bình anh luôn theo chị trong từng bước chân của hành trình giữ gìn sự sống . Em dâu anh Dũng  cho biết, anh chăm chị đến cả những cô điều dưỡng ở Khoa, những bệnh nhân ở Khoa và nhiều bệnh nhân khác nữa đều khâm phục.

Anh Dũng thất thần nhìn vợ

Anh Dũng tâm sự, sự việc xảy ra với vợ anh quá đột ngột, gia đình cũng rất buồn. Thế nhưng,  trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy, anh đã được các bác sĩ động viên hàng ngày, đồng hành trong mỗi giờ. Anh chia sẻ:  “tôi đã cảm nhận được sự tận tâm hết lòng của các thầy thuốc cả BV Bạch Mai và BVĐK tỉnh Hòa Bình. Anh bảo, các bác sĩ điều dưỡng đã thay nhau thức đêm để trông máy và theo dõi sát từng cử động nhẹ của vợ tôi.  Cả bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình và đoàn bác sĩ BV Bạch Mai đều rất trách nhiệm, tôi biết có khi họ chỉ ngủ một tiếng, có khi không ngủ để chăm sóc cho vợ tôi. Đêm qua, có bác sĩ, điều dưỡng thức đến 2h đêm mới thay ca để bác sĩ khác vào trực, họ chung nhau một cái giường ngủ. Có người giữa đêm mới kịp ăn tối …Tôi ngồi đây trực cả đêm mà tôi đã chứng kiến hết... ”.

Với vợ chồng anh Dũng khoa Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở mái nhà chung ấy  bệnh nhân và nhân viên y tế thân thiết gắn bó như người một nhà, những cái tên điều dưỡng Tươi, Linh, Hồng… hay bác sĩ Hạnh, Huyền, Linh anh và các bệnh nhân đều thuộc và nhớ, thậm chí biết cả từng thói quen đến cách nói chuyện.

“Sự việc của vợ tôi và những người khác là sự cố ngoài ý muốn, nó đã làm cho  không chỉ gia đình tôi, các gia đình khác sốc mà các bác sĩ, điều dưỡng cũng sốc chẳng kém gì. Thế nhưng, họ bị cú sốc như thế nhưng họ vẫn phải làm việc vẫn phải chăm lo cho bệnh nhân khác…Mới chỉ có 4 hôm, mà tôi thấy các điều dưỡng và bác sĩ gầy rộc hẳn đi,  họ phải sụt mấy kg, nhiều người còn bỏ ăn, mất ngủ... Nói là động viên thì không đúng, nhưng tôi vẫn thi thoảng nói chuyện với họ, tôi chia sẻ với mọi người hãy cố lên và vượt qua để tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân khác, có gì giúp được tôi cũng sẵn sàng, bởi chuyện này không bác sĩ nào mong muốn. Vì bệnh nhân chạy thận bao nhiêu năm nay có sao đâu, các điều dưỡng vẫn thực hiện các kỹ thuật như thế. Chuyện của gia đình tôi thì đang như vậy, thế nhưng tôi cũng thấy điều dưỡng bác sĩ đáng thương". anh Dũng bộc bệch.

GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ với người thân chị N

GS.TS Nguyễn Gia Bình cũng chia sẻ, các kíp bác sĩ của BV Bạch Mai phối hợp với BVĐK Hòa Bình cũng thay nhau trông bệnh nhân cả đêm để theo dõi máy móc hoạt động, nhận định đánh giá tình hình bệnh, cái gì quyết định được tại chỗ thì  quyết định, còn thấy cái gì băn  khoăn lại gọi điện về xin hội chẩn dù bất kể thời gian nào. Chúng tôi không được phép lơ là bởi tình trạng bệnh nhân đã rất mong manh, chỉ cần chậm vài giây thì người bệnh có thể ra đi bất cứ khi nào…Dù rằng cơ hội rất mong manh nhưng chúng tôi vẫn hi vọng và sẽ cố gắng hết sức mình bằng trách nhiệm cũng như lương tâm của người thầy thuốc!

Ở đâu đó người ta vẫn nói bác sĩ vòi tiền, bác sĩ không có lương tâm, bác sĩ vô cảm hay bệnh nhân côn đồ, hành hung bác sĩ… Nhưng ở đây, tại thời điểm này khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh và khi bác sĩ đang phải đứng giữa tâm bão mang tên “sự cố y khoa” như thế này  thì sự cảm thông chia sẻ của người bệnh, người nhà và xã hội đã giúp bác sĩ vượt qua cơn bão, vững tin để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình dù vẫn biết rằng con đường ấy còn lắm gian nan, chứa đựng biết bao mồ hôi, những giọt nước mắt và cả nỗi đau mà chỉ có người thầy thuốc mới cảm nhận được…!

 

 

 


Vi Cầm
Ý kiến của bạn