Hà Nội

Sự cố có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo

27-08-2019 11:21 | Y học 360
google news

SKĐS - Sau sự cố bệnh nhân tử vong do chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình, vừa qua lại tiếp tục ghi nhận tình trạng nguy hiểm cũng do chạy thận nhân tạo tại Nghệ An.

Vì vậy cần biết về sự cố có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo và đây được xem như là một hồi chuông cảnh báo để ngăn ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ vấn đề này.

Sự cố xảy ra và nguyên nhân được phát hiện

Cuối tháng 7/2019 vừa qua, BV. Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện chạy thận nhân tạo cho 21 người bệnh suy thận thì phát hiện một số bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như sốt, rét run, buồn nôn, hạ huyết áp...; đặc biệt có 6 bệnh nhân có biểu hiện sốc, trong đó có 2 trường hợp nặng được chuyển ra Hà Nội. Khi có hiện tượng bất thường xảy ra, bệnh viện đã ngừng ngay việc chạy thận nhân tạo tại đây vì nghi ngờ máy móc thiết bị lọc thận có sự cố; đồng thời chuyển 132 bệnh nhân suy thận đang có yêu cầu chạy thận nhân tạo đến các đơn vị khác để chữa trị.

Tại BV Bạch Mai, các chuyên gia xác định 2 bệnh nhân nặng được chuyển ra Hà Nội có biểu hiện triệu chứng của sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và đã được xử trí can thiệp điều trị tích cực để thoát khỏi cơn nguy kịch. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn từ bệnh phẩm ghi nhận cả 2 bệnh nhân nặng bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn Burkholderia cepacia và kháng sinh sử dụng ban đầu phù hợp nhạy cảm với loại vi khuẩn này. Các chuyên gia cho rằng sự cố xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo có thể do nhiều nguyên nhân và liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như nguồn nước cung cấp, tình trạng máy móc thiết bị, hệ thống lọc máu ra và đưa máu vào... nên rất khó xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sốc nhiễm khuẩn từ đâu.

Trong trường hợp này, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Nghệ An và các chuyên gia của bv. Bạch Mai Hà Nội đã xem xét kết luận: hệ thống sản xuất và tạo nguồn nước RO (reverse osmosis) cho thận nhân tạo hoàn toàn bình thường nhưng hệ thống dẫn nước RO đến các máy chạy thận có những điểm nối và gấp khúc, đây là các điểm chết làm ứ đọng nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sự cố xảy ra vừa qua có nguyên nhân từ nước cung cấp cho máy, nên thay hệ thống dẫn nước RO theo đúng tiêu chuẩn quy định mới và kiểm định trước khi hoạt động lại.

Sự cố có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạoẢnh minh họa

Điều cần biết về chạy thận nhân tạo

Bình thường trong cơ thể, thận hoạt động để lọc máu và thải chất độc, nước, muối ra khỏi cơ thể.Khi thận bị suy, đặc biệt là suy thận giai đoạn cuối, thận ngừng hoạt động hoàn toàn.Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị với máu được lọc bên ngoài cơ thể bệnh nhân bằng máy chạy thận.Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu được rút ra từ mạch máu và đi qua một quả lọc tổng hợp được gọi là quả lọc máu.Trong quả lọc, máu được làm sạch trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Vì lý do đó mà quả lọc máu được gọi là “thận nhân tạo”. Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện ba lần mỗi tuần, tối thiểu bốn giờ mỗi lần và tiến hành tại một trung tâm lọc máu với thận nhân tạo đối với những bệnh nhân bị suy thận.

Chỉ định chạy thận nhân tạo được thực hiện trong các trường hợp: Người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế. Người bệnh đái tháo đường có thể chỉ định sớm hơn. Ngoài ra, kỹ thuật chạy thận nhân tạo có thể áp dụng để lọc máu trong các trườnghợp khác như chỉ định lọc máu cấp cứu, ngộ độc... Lọc máu theo chu kỳ 1 tuần từ 12 giờ trở lên, mỗi lần lọc máu ít nhất 4 giờ, mỗi tuần 3 lần cách ngày.

Chống chỉ định chạy thận nhân tạo trong các trường hợp: Người bệnh tim mạch như trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, suy tim toàn bộ. Rối loạn đông máu và chảy máu nhưng chỉ là chống chỉ định tương đối, có thể cùng phối hợp lọc máu và thay máu. Toàn trạng người bệnh đang sốt cao, suy kiệt do ung thư...

Ưu điểm của thận nhân tạo là hệ thống lọc có màng lọc nhân tạo, màng lọc này chỉ cho phép các chất cặn bã đi ra, còn các thành phần cần thiết trong máu sẽ được quay trở về cơ thể. Chạy thận nhân tạo được thực hiện tại các bệnh viện có máy móc thiết bị phù hợp, không phải do bệnh nhân tự thực hiện. Vì vậy điều kiện vô trùng vô khuẩn phải thật tốt, tránh mọi tai biến, nếu có sự cố xảy ra trong quá trình chạy thận thì nhân viên y tế có chuyên môn về lĩnh vực này kiểm soát và xử trí. Số lần thực hiện chạy thận trong tuần không được quá nhiều.

Nhược điểm của thận nhân tạo cũng được ghi nhận như bệnh nhân suy thận phải thường xuyên vào bệnh viện để thực hiện kỹ thuật lọc máu.Trong quá trình chạy thận, bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, không ổn định về huyết động; có thể bị đông máu trong các dây, ống lọc. Đồng thời dễ bị thất thoát máu, dễ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng máu. Bên cạnh đó bệnh nhân chạy thận nhân tạo cũng phải thực hiện chế độ ăn kiêng theo chỉ định của bác sĩ.

Quy trình thực hiện chạy thận nhân tạo

Việc chạy thận nhân tạo phải trải qua các bước theo quy trình để bảo đảm sự an toàn, do đó phải có sự chuẩn bị cần thiết.

Trước khi chạy thận nhân tạo: Người bệnh được tiếp cận mạch máu. Ở bước này, bác sĩ dùng kim dẫn đưa một lượng nhỏ máu ra ngoài cơ thể đến máy chạy thận, máu từ máy chạy thận sau đó lại được đưa vào cơ thể thông qua cây kim khác. Có 3 cách tiếp cận mạch máu bao gồm: tiếp cận qua lỗ thông động tĩnh mạch, qua ống thông nối động - tĩnh mạch nhân tạo và đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm. Để việc chuẩn bị trước khi chạy thận thực hiện an toàn, bác sĩ cần kiểm tra kỹ tình trạng bệnh nhân bao gồm: cân nặng, huyết áp, mạch, nhiệt độ… để đảm bảo không có sự cố nguy hiểm xảy ra.

Trong khi chạy thận nhân tạo: Người bệnh được đưa vào vùng tiếp cận mạch máu bằng 2 cây kim, mỗi cây kim được nối với một ống đàn hồi và nối với máy chạy thận. Thông qua ống kim, máy chạy thận sẽ lọc một vài ml máu một lần, cho phép chất thải và chất lỏng từ máu đi vào một chất lỏng làm sạch được gọi là chất thẩm tách (dialysate). Máu được lọc sẽ trở lại cơ thể thông qua ống thứ hai. Trường hợp bệnh nhân chạy thận dưới 3 lần mỗi tuần có thể xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, thay đổi huyết áp và nhịp tim khi máu chạy ra khỏi cơ thể... Tùy theo tình trạng cụ thể từng trường hợp, người bệnh có thể yêu cầu bác sĩ điều chỉnh tốc độ lọc máu, loại chất thẩm tách hoặc loại thuốc sử dụng.

Sau khi chạy thận nhân tạo: Hoàn tất quá trình chạy thận, bệnh nhân được rút hai cây kim ra khỏi mạch máu và băng lại. Sau quy trình chạy thận nhân tạo kết thúc, người bệnh có thể trở về nhà và sinh hoạt bình thường.

Biểu hiện khi chạy thận nhân tạo và lưu ý các sự cố

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể xuất hiện một vài dấu hiệu được cho là bình thường như cảm thấy nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt do tụt huyết áp; khó thở, đau đầu, choáng váng; đau bụng, đau cơ; buồn nôn hay nôn ói...

Tuy vậy cần lưu ý các biểu hiện được xem là sự cố bất thường sau khi chạy thận nhân tạo để có biện pháp can thiệp xử trí kịp thời như người bệnh cảm thấy mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, nôn nhiều do giảm thể tích tuần hoàn; co cứng cơ do siêu lọc nhiều và nhanh; sốt, lạnh run do nhiễm trùng huyết; phù mặt, nổi mề đay, mạch nhanh và nhẹ, huyết áp tụt do phản ứng phản vệ với quả lọc thận; khó thở, tức ngực, ho sặc sụa... Nếu phát hiện các sự cố bất thường này xảy ra phải xử trí nhanh chóng để giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch có thể có nguy cơ dẫn đến tử vong. Khi thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo, người bệnh phải thực hiện đúng theo lịch trình điều trị nghiêm ngặt, phải uống thuốc thường xuyên, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp và hợp tác chặt chẽ với bác sĩ, nhân viên y tế của bộ phận chuyên khoa về thận và chạy thận nhân tạo ở bệnh viện để bảo đảm sự an toàn.

Đối tượng được chỉ định chạy thận nhân tạo

Không phải tất cả các trường hợp bệnh lý về thận bệnh nhân đều yêu cầu chạy thận nhân tạo mà việc chạy thận nhân tạo được chỉ định thực hiện đối với các bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính hoặc mạn tính.Sự tổn thương này làm hạn chế khả năng lọc và loại bỏ lượng dịch dư thừa, độc hại ra khỏi cơ thể của thận. Do đó việc chạy thận nhân tạo có ý nghĩa là loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu, duy trì sự cân bằng điện giải, thay thế chức năng đã bị tổn thương của thận. Chỉ định chạy thận nhân tạo được thực hiện cho những trường hợp bao gồm: người bệnh xuất hiện các dấu hiệu của hội cứng urê như buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi...; lượng kali máu, axít máu tăng cao; thận không đủ khả năng loại bỏ lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể nên gây phù; bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim; các trường hợp ngộ độc cấp tính làm thận bị tổn thương...

Tuy nhiên cần lưu ý rằng tùy theo tình trạng bệnh lý và thể trạng của mỗi bệnh nhân, quá trình chạy thận nhân tạo có thể gây ra nhiều sự cố tai biến như đã nêu ở trên. Việc chỉ định chạy thận nhân tạo cần phải cân nhắc từng trường hợp, khi chạy thận nhân tạo phải thực hiện đúng theo quy trình với sự giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm sự cố xảy ra nhằm có biện pháp can thiệp xử trí kịp thời, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Điều cần quan tâm
Sự cố xảy ra vừa qua tại Nghệ An do việc chạy thận nhân tạo ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân có nguyên nhân đã được xác định là do nguồn nước cung cấp cho máy chạy thận bị nhiễm bẩn. Hai bệnh nhân nặng do sự cố được chuyển ra Hà Nội có triệu chứng sốc nhiễm khuẩn vì nhiễm trùng huyết, cấy máu phát hiện có vi khuẩn Burkholderia cepacia. Trước đó các trường hợp bệnh nhân bị tử vong tại Hòa Bình do chạy thận nhân tạo ở bệnh viện tỉnh gần đây đã phát hiện thêm một tình tiết mới là có khả năng cũng do nguồn nước cung cấp cho máy chạy thận bị nhiễm bẩn như ở Nghệ An dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết và người bệnh tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Đây là hồi chuông cảnh báo để các bệnh viện có đơn vị chạy thận nhân tạo cần phải đặc biệt quan tâm kiểm định, giám sát chặt chẽ trong thực hiện kỹ thuật nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc tiếp tục xảy ra.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn