Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách
Ở nước ta mỗi ngày có 70 trẻ sơ sinh tử vong, trong số đó tử vong nhiều nhất là trẻ mới sinh trong ngày đầu vì vậy trẻ sơ sinh cần được chăm sóc chu đáo.
Chăm sóc ngày đầu sau sinh bằng cách giữ ấm cho trẻ bằng cách cho nằm cùng mẹ. Không tắm hoặc rửa cho trẻ trong 6 giờ đầu sau sinh. Cho trẻ bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho bú theo nhu cầu của trẻ. Trẻ được cán bộ y tế chăm sóc rốn, mắt, tiêm bắp vitamin K1, tiêm phòng Lao và viêm gan B.
Gia đình và bà mẹ cần theo dõi về nhịp thở, màu da, rốn, bàn chân, tiểu tiện và phân su của trẻ. u Trẻ nên được theo dõi tại cơ sở y tế trong 3 ngày đầu sau sinh. v Chăm sóc trong thời kỳ sơ sinh.
Giữ ấm cho trẻ sơ sinh bằng cách cho trẻ nằm cùng mẹ để được giữ ấm và bú mẹ. Mặc ấm, quấn tã, đội mũ và đi tất cho trẻ. Giữ phòng ở thoáng, không có gió lùa, ấm áp cả ngày lẫn đêm. u Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn: Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cần ăn thêm bất cứ thứ gì khác, kể cả nước tráng miệng sau khi bú. Cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm.
Chăm sóc da và vệ sinh cho trẻ bằng cách rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi bế trẻ, trước khi cho trẻ bú, tắm và sau khi thay tã lót cho trẻ. Tắm cho trẻ cần chuẩn bị áo, mũ, khăn, tất trước khi tắm cho trẻ. Tắm trong phòng ấm, không có gió lùa bằng nước ấm và xà phòng dùng cho trẻ. Lau mắt, rửa mặt. Tắm từng phần cơ thể, lau khô bằng khăn mềm, sạch, ấm và mặc đồ ngay sau khi tắm. Cuốn thêm tã hoặc chăn ủ ấm ngay cho trẻ và đặt trẻ vào nằm với mẹ.
Phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh
Sau khi trẻ sinh ra, bà mẹ và gia đình cần theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh (trẻ từ khi sinh ra cho đến 28 ngày tuổi) như bú kém hoặc bỏ bú, ngủ li bì khó đánh thức; Thở khác thường (thở chậm dưới 40 lần hoặc thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút, co rút lồng ngực, cánh mũi phập phồng, khò khè); Co cứng hoặc co giật; Sốt cao (trên 38,5 độ C) hoặc hạ nhiệt độ (dưới 36 độ C); Mắt sưng đỏ hoặc có mủ nhiều; Rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ; Da vàng sau đẻ 24 giờ hoặc kéo dài hơn 2 tuần hoặc da vàng đậm; Nôn liên tục; Bụng chướng; Đi ỉa nhiều nước, nhiều lần hơn bình thường; Trẻ không đái, ỉa sau 24 giờ sau khi sinh.
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu nguy hiểm trên, bà mẹ và gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế và cần làm các việc sau: Giữ trẻ ấm; Nếu trẻ bị sốt, lau người cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm sau đó đắp khăn ấm để hạ nhiệt; Nếu trẻ bị khó thở, đặt hoặc bế trẻ cho thân và đầu cao hơn; Nếu trẻ có thể bú được, tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu. Nếu trẻ không bú được, mẹ vắt sữa vào miệng cho trẻ hoặc cho trẻ uống sữa mẹ bằng thìa; Liên hệ với cơ sở y tế và chuẩn bị phương tiện vận chuyển an toàn và vật dụng cần thiết để đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ
Cho trẻ sơ sinh nằm cùng mẹ và bú mẹ ngay trong vòng một giờ sau khi sinh để trẻ được bú sữa non và được ủ ấm. Cho con bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh sẽ có lợi: Sữa non là sữa tiết ra trong vài ngày đầu sau sinh, có nhiều chất dinh dưỡng và giúp bảo vệ trẻ không bị bệnh tật; Động tác mút vú làm cho sữa mẹ về nhanh hơn và giúp tử cung co hồi tốt hơn, làm giảm nguy cơ chảy máu cho bà mẹ; Cho con bú sớm giúp mẹ con gắn bó tình cảm.
Tác dụng của việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu: Sữa mẹ là loại thức ăn nước uống bổ dưỡng nhất và rẻ nhất; Sữa mẹ có đủ lượng nước cho trẻ, ngay cả khi trời nóng. Do vậy không cần cho trẻ uống thêm nước; Cho con bú là một trong những hình thức cho ăn tự nhiên nhất, sữa mẹ luôn có sẵn và không bị hỏng; Sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi các nhiễm khuẩn và dị ứng; Bú mẹ giúp trẻ phát triển tốt các giác quan, trẻ cảm thấy an toàn và được yêu quý.
Bú mẹ hoàn toàn làm cho kinh nguyệt trở lại chậm và giúp tránh thai; Cho trẻ bú thường xuyên giúp mẹ có nhiều sữa hơn. Hầu hết tất cả các bà mẹ có đủ sữa cho con bú. Không cho trẻ bú bằng bình vì nếu vệ sinh bình sữa không sạch trẻ có thể bị tiêu chảy.
Những trường hợp không cho con bú mẹ phải dùng sữa thay thế: Bà mẹ có bệnh phải dùng thuốc như ung thư, thuốc về thần kinh. . . Bà mẹ bị các bệnh: suy tim, lao phổi, nhiễm trùng hoặc áp xe vú; Bà mẹ bị nhiễm HIV hay xét nghiệm đang nghi ngờ nhiễm HIV; Trẻ có dị tật ở miệng mà không thể bú được….
(Theo Tài liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng)