Sự “bừng tỉnh” không mong đợi!

18-11-2011 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong tình trạng ngành xuất bản sách văn học làm ăn xuống dốc như hiện nay, việc tìm ra một bản thảo được dự báo ăn khách là một công việc khó như mò kim đáy bể.

Trong tình trạng ngành xuất bản sách văn học làm ăn xuống dốc như hiện nay, việc tìm ra một bản thảo được dự báo ăn khách là một công việc khó như mò kim đáy bể. Nhưng một khi đã “mò được kim”, hoàn thiện những khâu để đưa cuốn sách đến với độc giả, có thể nội dung của sách lại khiến sự sống của nó như ngàn cân treo sợi tóc.
 
Một thực tế không ít người nhận ra là những cuốn sách càng cấm vận càng tạo ra cơn sốt tìm mua của độc giả. Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ là thái độ chưa phục với những tiêu chí cần và đủ để cấm vận, thu hồi một cuốn sách.

Sách như thế nào sẽ bị thu hồi?

Chuẩn bị như thế nào để cuốn sách của mình không bị liệt vào “danh sách đen” là điều mà bất cứ người viết chuyên nghiệp nào cũng đặt ra khi muốn giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng. Câu trả lời nằm ở những trường hợp sách bị thu hồi, dù chưa thực sự thấu đáo và thỏa mãn tác giả, độc giả.

Sai sót về tư liệu, lỗi chính tả, lỗi morat là trường hợp cuốn sách Nguyễn Đình Thi - Bí mật cuộc đời mắc phải. Sau khi có thông tin cuốn sách bị dừng phát hành, chính con trai của nhà văn cũng thừa nhận lỗi biên tập chưa cẩn trọng.           

Có lẽ nhà văn Y Ban đã quá quen với tình trạng những cuốn sách của mình bất cứ lúc nào cũng dễ bị liệt vào hạng thu hồi, ngưng phát hành, đình bản. I am đàn bà, Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy là trường hợp bị thu hồi bởi lý do miêu tả sex trần trụi, in không đúng bản biên tập được duyệt. Tương tự Sợi xích của nhà văn “đá chéo sân” Lê Kiều Như bị liệt vào hạng “dâm thư”, ít đầu tư vào chất văn học. Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường bị cấm lưu hành vì lý do đưa ra là vi phạm luật xuất bản, phản ánh  hơi thái  quá một số vấn đề  nhạy cảm, có  biểu hiện về sex...

 Cuốn sách Nguyễn Đình Thi - Bí mật cuộc đờicó nhiều lỗi biên tập.

Sau thu hồi sẽ là “bừng tỉnh”?

Một thực tế đáng buồn là sau khi ban hành quyết định cấm phát hành, ngưng phát hành, thu hồi, đình bản, các nhà quản lý lại có dấu hiệu buông lơi, làm ngơ với thị trường, hậu quả là sách lậu tha hồ tung hoành, tràn lan. Những người quan tâm đến những cuốn sách trong “danh sách đen” không quá khó để tìm mua những cuốn này và luôn được giảm giá. Và tất nhiên, sản phẩm mang nhãn hiệu “cừu Doly” này không thể có được chất lượng như phiên bản chính: bản sách in xấu, chữ nhòe, khổ chữ bất thường, cắt cúp dở chừng, nhiều lỗi, thiếu trang...

Không ít những trường hợp tác giả có tác phẩm bị đình bản, bị cấm mua sách in lậu để tặng bạn bè. Đơn giản vì bên cạnh những từ “kết luận, xử phạt, yêu cầu”, họ còn nhận được những lời “thôi thúc, ngợi khen, động viên”. Với một số trường hợp, càng bị cấm lại càng dễ nổi tiếng. Còn với những người sáng tác văn học chân chính, sự nổi tiếng vì những cuốn sách bị cấm là điều nhảm nhí. Động lực viết với họ chính là từ ý thức muốn cải tạo xã hội, cải hóa tâm hồn con người từ những con chữ của mình.

Gần đây, việc Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM quyết định tịch thu toàn bộ tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên với lý do cuốn sách “truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN, vi phạm Điều 2, Khoản 10 Luật Xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản” đã gây ồn ào trong giới văn nghệ. Đáng chú ý là hai ý kiến đối lập: một là bên Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, hai là sự phản ứng lại quyết định xử phạt của các nhà văn có tên tuổi, những người trực tiếp biên tập cuốn sách này.
 
Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi nhà văn Tạ Duy Anh nói: “Phải làm cho nó rõ ra, chứ kiểu như thế này thì ai dám in hay xuất bản cái gì nữa”. Chính NXB Hội Nhà văn, “cái nôi” của cuốn sách cũng thể hiện rõ sự bênh vực khi tổ chức hẳn một cuộc họp để đánh giá ở góc độ chuyên môn về cuốn sách trước khi có phản hồi chính thức. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cuốn sách bị tịch thu vì một lý do rất “bếp núc” là nội dung động chạm đến những người không nên động chạm.

Sau lệnh tịch thu này, dân đầu nậu sách lậu lại được một dịp làm ăn béo bở. Rõ ràng, lệnh thu hồi kiểu này không thể giúp ai “bừng tỉnh” và sự “bừng tỉnh” ấy là điều nhà văn không mong muốn.

Tuệ Khanh


Ý kiến của bạn