Chúng ta có hàng vạn bức ảnh chụp cảnh ruộng bậc thang và đồi chè nhưng nếu hỏi xem có tác phẩm nào đóng đinh trong ký ức người xem không thì quả là khó.
Một bức ảnh muốn trở thành một tác phẩm nghệ thuật - nhất định nó phải mang “mùi “ riêng của tác giả. Cái “mùi” riêng đó đậm đặc ở mức nào chính là dấu ấn sáng tạo của cá nhân nghệ sỹ...
Thực tế buồn!
Trong nghệ thuật tối kỵ nhất là sự lặp lại tác phẩm của người đi trước một cách máy móc và thiếu sáng tạo. Gần như luật bất thành văn, cứ sau mỗi cuộc thi các tác phẩm đoạt giải nhanh chóng trở thành hình mẫu cho nhiều “thí sinh” noi theo. Vì một lý do đơn giản: nhiều thí sinh nghĩ giản đơn rằng “gu” của giám khảo ít thay đổi và nếu cùng 1 “mô típ” ta dàn dựng công phu chụp kỹ hơn những ảnh đoạt giải trước thì chí ít cũng huy chương đồng.
Và thực tế là mấy cuộc thi ảnh gần đây chủ đề văn minh sông Hồng, Liên hoan ảnh khu vực miền núi phía Bắc, những hình ảnh dạng “trao truyền thế hệ”, “biểu diễn ca trù” được dàn dựng một cách cứng nhắc và giả tạo đã xuất hiện khá nhiều... Và nhiều bức ảnh đã bị loại bỏ thẳng thừng.
Cũng chiếm 1 số lượng “kha khá” là đồi cọ, rừng chè, gang thép... và ruộng bậc thang... Và đương nhiên trong các cuộc thi ảnh,giám khảo phải đề nghị Ban tổ chức đặt cạnh nhau những bức ảnh cùng chủ đề để lựa chọn. Và nói chung bức ảnh được lựa chọn thường cũng chỉ là “so bó đũa chọn cột cờ” thôi mà chưa thấy những sáng tạo đặc sắc về mặt ý tứ hay hình thức thể hiện.
Chính vì nghèo nàn ý tưởng, mà nhiều nhiếp ảnh gia quá bám vào “photoshop” như 1 cứu cánh. Trong nhiều cuộc thi, có những bức ảnh hoàn toàn có thể lọt vào triển lãm mà bị đánh “rớt” bởi tác giả tự nhiên thay nền bức ảnh cực kỳ giả tạo và thiếu thẩm mỹ trong khi chủ thể chính ở trạng thái cảm xúc tốt và phông nền nguyên gốc không thể phá hỏng chủ thể.
Ngược lại cũng có những tác giả xử lý photoshop rất khéo, không để lộ “vết” nhưng lại ghép cảnh giả thực- để tạo nên một “hiện thực” chả giống ai và hoàn toàn vô lý. Nếu ảnh siêu thực thì lại khác, đằng này là dùng kỹ thuật để tạo ra 1 bức ảnh mô phỏng 1 hiện thực trong tưởng tượng của tác giả và “lừa” người xem là hiện thực cuộc sống.
Những cảnh ghép kiểu như mây Hà Giang ghép vào trời Sa Pa đã buồn cười nhưng không đáng chê trách bằng cách làm thay đổi cả vị trí địa danh đi bằng kỹ thuật máy tính.
Có người cho rằng cứ sau 1 chuyến đi là bao giờ cũng có tác phẩm.
Người khác lại tin đi 1 chuyến dùng nhiều lần. Vì cứ ghép ảnh mới với ảnh cũ, tha hồ xoay vần tạo ra nhiều ảnh lạ.
Kẻ vừa vào nghề sau mấy chuyến đi đã gặt hái huy chương, nghiễm nhiên trở thành “nghệ sỹ”.
Tay máy khác lại chăm chỉ chụp, đam mê máy tính, hăng hái gửi ảnh hết cuộc này đến cuộc khác mà không được 1 lần đăng quang...
Có nhiếp ảnh gia thành công ở một mảng đề tài nhất định và cứ thế “bám chặt” lấy nó, không dám mạo hiểm thay đổi, và kết quả là dần lặp lại chính mình...
Và có nghệ sỹ thực thụ tin rằng sáng tạo là 1 cái gì đó quá khó,không dành cho số đông.
Sáng tạo dành cho ai?
Ngược lại với ý kiến trên, có người cho rằng bẩm sinh con người ai sinh ra cũng khả năng sáng tạo. Minh chứng là ngay từ hồi nhỏ,đi học bạn đã được cô giáo cấp cho 1 hộp bút chì màu để vẽ. Và những bức vẽ tuổi thơ nhiều khi theo bạn đi suốt cuộc đời. Đó không phải là sự khởi đầu của sáng tạo sao?
Nhưng rồi không phải ai cũng tiếp tục hộp bút chì màu đó của mình,
Bị cuốn vào những công việc mưu sinh, thời gian trôi nhanh, 1 ngày đẹp trời,tiếng nói nhỏ bé trong bạn cất lên,muốn bạn trở lại thời xưa để vẽ...
Xét đến cùng, ai cũng phải sáng tạo nếu muốn tồn tại, nhưng sáng tạo trong nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng có nét khác biệt.
Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi bạn phải tạo ra 1 cái gì đó thực đặc biệt, độc đáo. Nó đủ sức mạnh để làm kinh ngạc, bàng hoàng người xem.
Nó là một sự thôi thúc trong lòng bạn, đôi khi khó nói lên lời, đòi hỏi bạn phải làm gì cho nó...
Thật ra 1 nghệ sỹ bao giờ cũng phải đối mặt với vấn đề mưu sinh và nghệ thuật. Đôi khi 1 “job” (vụ việc) được đặt hàng cũng trùng hợp với 1 dự án nghệ thuật của bạn, nhưng đó là chuyện vô cùng hiếm hoi, vì thế hãy tách biệt ra.
Tôi đã biết nhiều người đang làmkinh doanh rất tốt, tự nhiên bị “con ma” nhiếp ảnh xui khiến, thế là bỏ tất cả tối ngày đi “sáng tác”, thậm chí bán dần đồ đạc trong nhà đi để thành “con nghiện” ảnh. Và vẫn luôn bào chữa cho sự lựa chọn “điên rồ” của mình là “nghệ sỹ’.
Nhưng những người đó thường lại rất ít thành công.
Sự cân bằng giữa việc tạo ra 1 cuộc sống thu nhập tốt mà vẫn duy trì và thực hiện đam mê, sở thích của mình mới là 1 nghệ sỹ giỏi. Vì thế hãy đừng từ bỏ công việc hàng ngày của bạn, trừ phi nó chiếm quá nhiều thời gian không cho bạn có cơ hội chụp ảnh.
Sáng tạo và phương tiện
Trong giới nhiếp ảnh ở ta, có những tay máy liên tục đổi phương tiện, từ Nikon đến Canon, xoay sang Sony, rồi Leica, và cứ khi chuyển sang 1 loại máy mới nào, anh ta lại hết lời ca ngợi tính năng của nó. Cứ như là máy mới tạo ra tác phẩm mới cao hơn tác phẩm cũ.
Đành rằng nhiếp ảnh gắn liến với máy móc và phương tiện. Ví như bạn không thể dùng ông kính tầm xa Tele để chụp ảnh 1 nhóm người trong 1 căn phòng chật cũng như không thể dùng ống kính góc rộng để đặc tả 1 chi tiết nhỏ. Nhưng máy móc không quyết định tác phẩm.
Có những bức ảnh nét khủng khiếp lên hết từng sợi lông tơ trên mặt nhân vật nhưng ảnh đó không đáng giá chút nào. Ngược lại có những bức ảnh mất nét lại là tác phẩm.
Nhưng bây giờ trong thời đại kỹ thuật số thì phương tiện đang trở lại tiếng nói mạnh mẽ của nó. Ngày càng nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh từ bỏ những chiếc máy ảnh to nặng cồng kềnh với các lens khủng để mua về những chiếc máy ảnh nhỏ gọn và cực kỳ hiện đại.
Nếu bạn xét tính hiệu quả phải có hình ảnh lên hàng đầu thì rõ ràng máy ảnh nhỏ là lợi thế khủng khiếp. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng dùng đến 3 máy nhỏ Leika với độ zoom khủng đã chụp được nhiều hình ảnh đường phố cực kỳ đắt giá. Tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh ông chụp cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn đeo kính cận đang hôn lưỡi chú chó âu yếm, quấn quít hệt như với người yêu.
Chính máy ảnh nhỏ đã tạo ra sự bất ngờ và không làm thay đổi môi trường, đối tượng bị chụp ảnh, khác hoàn toàn với máy ảnh to.
Rõ ràng tính sáng tạo gắn liền với hình ảnh, không phải là chuyện to, nhỏ, càng không dính gì đến tính thời thượng.
Hãy nói tiếng nói riêng
Một bức ảnh phải nói lên 1 ý kiến về cuộc sống, nhưng đúng như nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn từng nói với tôi : có quá nhiều tay máy chụp rất nhiều bức ảnh chỉ nói 1 ý kiến giống nhau.
Tiếng nói riêng mạnh hay yếu , độc đáo hay vừa phải sẽ thể hiện khả năng sáng tạo của bạn. Có người có duyên kể chuyện bằng hình ảnh trời cho, và đương nhiên họ dễ thành công. Một bức ảnh giàu sáng tạo chính là 1 bức ảnh kể được nhiều câu chuyện hấp dẫn, thú vị và một series (bộ) ảnh sẽ giúp nhiều câu chuyện được kể có đầu, có cuối, có điểm nhấn.
Vấn đề cốt lõi của sáng tạo là bạn có gì để nói (bằng ảnh)?
Kỹ thuật tinh xảo, sự hoành tráng của hiện thực chỉ đem lại cho bạn một chút ấn tượng thị giác nhưng sẽ không đọng lại trong dấu ấn ký ức lâu dài.
Mà chỉ có những tiếng nói nhỏ bé đầy tự tin kể những câu chuyện độc đáo, giản dị về thân phận con người mới làm tôi xúc động.
Tôi đã từng nếm trải cảm giác mất cảm hứng trong sáng tạo và điều đó làm tôi kinh sợ nhất. Làm đủ mọi cách mà cảm hứng vẫn không trở lại. Nhưng đúng vào lúc bạn không ngờ nhất thì cảm hứng lại gõ vào trái tim bạn.
Và khi đó bạn chợt thấy cuộc đời đáng yêu khi được sáng tạo.
Theo Lao động Online