Thông tin trên được ông Korotkov tiết lộ với hãng thông tấn TASS, thu hút sự chú ý từ giới chuyên gia quốc phòng trên toàn cầu.
Dù chi tiết về Su-75 Checkmate còn hạn chế, ông Korotkov khẳng định dự án đặt mục tiêu vượt qua những hạn chế hiện tại, đặc biệt so với Su-57 Felon – mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga. Su-57 sở hữu nhiều công nghệ hiện đại nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng trong thực chiến, bao gồm cả chiến dịch ở Ukraine.
Theo nhận định từ hãng tin Pronews (Hy Lạp), Su-75 hứa hẹn sẽ đạt bước tiến vượt bậc về khả năng tàng hình, với mục tiêu trở thành đối thủ cạnh tranh của các máy bay thế hệ 5 hàng đầu thế giới.
Ông Korotkov tiết lộ Su-75 có thể hoàn thành giai đoạn phát triển ngay trong quý I năm 2025, một tốc độ đáng kinh ngạc, có lẽ xuất phát từ áp lực xung đột và tham vọng chinh phục thị trường quốc tế.
Tàng hình vượt trội: Thực lực hay tuyên bố táo bạo?
Những tuyên bố ban đầu cho rằng Su-75 sẽ đạt mức tàng hình gần như "vô hình" trước radar. Tuy nhiên, điều này gây nhiều nghi ngờ, bởi Nga từng gặp không ít khó khăn trong phát triển công nghệ tàng hình.
Hiện tại, thông số tiết diện radar (RCS) của Su-75 vẫn chưa được công bố. Để so sánh, Su-57 Felon có RCS từ 0,1 đến 1 m2, cao hơn nhiều so với F-22 Raptor (0,0001–0,0005 m2) hay F-35 Lightning II (0,0015 m2). Trong khi đó, J-20 Mighty Dragon của Trung Quốc được cho là có RCS từ 0,001 đến 0,01 m2, ngang ngửa F-35.
Dự án Su-75 không chỉ hướng đến cải thiện sức mạnh quốc phòng mà còn nhằm thâm nhập thị trường xuất khẩu. Với thiết kế động cơ đơn và chi phí tối ưu, Checkmate được kỳ vọng sẽ trở thành lựa chọn thay thế giá rẻ cho các quốc gia không đủ khả năng mua F-35.
Ấn Độ nổi lên như một khách hàng tiềm năng khi chương trình máy bay tàng hình nội địa của nước này đang gặp khó khăn. Trong khi đó, đối thủ chiến lược của Ấn Độ – Pakistan – dự kiến nhận máy bay J-35 của Trung Quốc vào năm tới, gây áp lực lớn lên New Delhi.
Ấn Độ cũng cân nhắc F-35, nhưng sự phức tạp trong hợp tác công nghệ theo sáng kiến "Make in India" có thể khiến Su-75 trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn. Nga từng hỗ trợ sản xuất nội địa thành công với Su-30, trong đó hơn 50% máy bay được lắp ráp tại Ấn Độ.
Su-75 được thiết kế với khả năng tàng hình vượt trội, cơ động cao và linh hoạt, đáp ứng các cấu hình cả có người lái lẫn không người lái. Máy bay dự kiến được trang bị radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống nhắm mục tiêu quang điện hiện đại và khả năng tự động hóa cao.
Máy bay có thể mang đến 7 tấn vũ khí trong các khoang bên trong, bao gồm các loại tên lửa không đối không và không đối đất thế hệ mới. Công nghệ phát triển mô-đun cũng cho phép dễ dàng tùy chỉnh theo nhu cầu khách hàng.
Dù sở hữu nhiều tiềm năng, Nga sẽ đối mặt với các thách thức về kinh tế và công nghệ trong việc sản xuất hàng loạt Su-75. Những bài học từ Su-57 – vốn chậm tiến độ và gặp nhiều khó khăn kỹ thuật – khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu Su-75 có tránh được số phận tương tự.