Dù không đạt độ tàng hình tuyệt đối như F-22, Su-57 lại thể hiện rõ ưu thế trong các chiến dịch tấn công quy mô lớn, điều mà máy bay Mỹ khó lòng cạnh tranh. Vậy điều gì khiến Su-57 trở thành lựa chọn lý tưởng cho các cuộc chiến tổng lực trong tương lai?

Máy bay chiến đấu Su-57 (Nga) và F-22 (Mỹ). (Nguồn: Archive)
Những năm gần đây, dư luận và truyền thông phương Tây thường so sánh Su-57 với F-35 Lightning II. Nhưng đây là "một phép so sánh lệch".
F-35 là tiêm kích tàng hình đa nhiệm, được thiết kế để tấn công chính xác và tác chiến điện tử, trong khi Su-57 là máy bay chiếm ưu thế trên không, có khả năng tấn công đa năng và phối hợp tác chiến quy mô lớn. Đối thủ thực sự của Su-57 không phải là F-35, mà là F-22 Raptor – chiếc máy bay ra đời với mục tiêu chiếm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời.
Hai triết lý thiết kế
F-22 được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ cần một tiêm kích có thể đánh bại MiG-29 và Su-27 của Liên Xô. Do đó, máy bay này được thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình, cơ động và tấn công chính xác. F-22 có thể bay siêu âm mà không cần đốt tăng lực, cho phép tiếp cận và rút lui khỏi chiến trường mà không lộ diện.
Ngược lại, Su-57 ra đời sau gần hai thập kỷ với mục tiêu rất khác: kết hợp khả năng tàng hình tương đối với tầm bay xa, hỏa lực lớn và khả năng phối hợp chiến đấu cùng các nền tảng khác. Nga không chỉ muốn một máy bay "né radar", mà cần một chiến đấu cơ có thể tung đòn phủ đầu mạnh mẽ, phối hợp tấn công đồng loạt với UAV, hệ thống tác chiến điện tử và các lực lượng mặt đất.
F-22 có tiết diện radar cực nhỏ, chỉ khoảng 0,0001 m2, khiến nó gần như biến mất trước các hệ thống radar thông thường. Đây là ưu thế vượt trội trong các chiến dịch đánh nhanh, tấn công chính xác.
Trong khi đó, Su-57 có tiết diện radar lớn hơn, khoảng 0,5 m2, dễ bị phát hiện hơn trên màn hình radar. Tuy nhiên, Su-57 lại sử dụng hệ thống ngụy trang hồng ngoại và gây nhiễu điện tử, khiến đối phương khó theo dõi bằng các cảm biến nhiệt hoặc tín hiệu vô tuyến. Tàng hình của Su-57 không tuyệt đối, nhưng đa chiều, điều này đặc biệt hữu dụng trong các môi trường chiến tranh điện tử cường độ cao.
Cơ động và hỏa lực: Ưu thế của Su-57 khi chiến đấu kéo dài
F-22 sở hữu hai động cơ Pratt & Whitney F119, giúp nó duy trì tốc độ Mach 1,8 mà không cần đốt tăng lực, tiết kiệm nhiên liệu và mở rộng tầm hoạt động.
Su-57 hiện sử dụng động cơ AL-41F1, chưa đạt được khả năng siêu hành trình như đối thủ Mỹ, nhưng được thiết kế để mang khối lượng vũ khí lớn và hoạt động trong thời gian dài. Thế hệ động cơ mới "Izdeliye 30" đang phát triển sẽ giúp Su-57 san bằng cách biệt về hiệu suất bay.
Về khả năng cơ động, cả hai máy bay đều được trang bị hệ thống điều khiển lực đẩy vector. Thế nhưng, Su-57 sử dụng hệ thống ba chiều, cho phép nó thực hiện các thao tác không chiến phức tạp ở tốc độ thấp, một lợi thế đáng kể trong cận chiến và khi né tránh tên lửa.
Vũ khí của Su-57 cũng đa dạng và mạnh mẽ hơn. Tên lửa không đối không R-77M có tầm bắn lên tới 190 km, trong khi tên lửa hành trình Kh-59MK2 cho phép tấn công mặt đất với độ chính xác cao ở khoảng cách gần 300 km.
Ngoài ra, Su-57 có khả năng tích hợp vũ khí siêu thanh như Kh-47M2 Kinzhal, tăng thêm sức mạnh tấn công tầm xa. Với tổng cộng 12 điểm treo vũ khí (6 bên trong, 6 bên ngoài), Su-57 dễ dàng tung đòn tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, điều mà F-22 không làm được.
Một trong những điểm cách mạng trong thiết kế Su-57 là khả năng phối hợp với máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là dòng Okhotnik. Trong các chiến dịch tấn công hiện đại, Su-57 có thể điều khiển UAV để trinh sát, gây nhiễu hoặc thậm chí phóng tên lửa tấn công thay mình. Vai trò của Su-57 không còn là "kẻ săn mồi đơn độc" mà đã trở thành trung tâm chỉ huy trong một mạng lưới chiến đấu.
Dù Su-57 vẫn còn bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng mạng của Nga chưa hiện đại như NATO, nhưng thiết kế phần mềm mở giúp nó dễ tích hợp các công nghệ mới, kể cả hệ thống UAV, vệ tinh và tác chiến điện tử. Trong khi đó, F-22 sử dụng phần mềm đóng, khiến việc nâng cấp hoặc tích hợp với các nền tảng mới (như UAV hay F-35) gặp nhiều khó khăn.
F-22 bị bó hẹp vì... chính sự vượt trội ban đầu
F-22 là đỉnh cao công nghệ vào thời điểẩna mắt năm 2005, nhưng chính sự tiên tiến đó lại làm phức tạp việc nâng cấp sau này. Hệ thống cảm biến, radar và phần mềm được thiết kế "đóng gói", khiến việc thay thế hoặc tích hợp vũ khí mới trở nên tốn kém và khó khăn.
Hơn nữa, việc dừng sản xuất F-22 từ năm 2011 với chỉ 187 chiếc càng khiến máy bay này trở thành "của hiếm", khó triển khai trong các chiến dịch quy mô lớn.
Ngược lại, Su-57 vẫn đang được sản xuất và hoàn thiện. Mặc dù số lượng hiện tại còn hạn chế, nhưng tiến độ sản xuất đang được đẩy nhanh, đảm bảo sự sẵn sàng trong tương lai. Với khả năng hoạt động từ khoảng cách xa (tầm bay tới 5.900 km) và khoang nhiên liệu trong lớn, Su-57 có thể tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương mà không cần tiếp nhiên liệu.
Trong một kịch bản thực chiến, Su-57 có thể phối hợp cùng UAV Okhotnik thực hiện trinh sát, xác định mục tiêu và tung đòn tấn công chính xác bằng tên lửa hành trình. Cùng lúc, hệ thống tác chiến điện tử như Khibiny sẽ gây nhiễu radar và vô hiệu hóa thông tin liên lạc của đối phương. Những yếu tố này kết hợp lại tạo thành một đòn đánh tổng lực, chính xác, khó bị phản ứng kịp thời.
Không chỉ vậy, Su-57 còn có thể loại bỏ các hệ thống phòng không như radar đối phương bằng tên lửa chống bức xạ Kh-58UShKE, mở đường cho các đợt tấn công tiếp theo của lực lượng mặt đất hoặc máy bay ném bom.