Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Su-57 tới Trung Quốc, mở ra nhiều suy đoán về khả năng máy bay này sẽ tham gia biểu diễn tại Triển lãm hàng không Chu Hải diễn ra từ ngày 12 đến ngày 17/11.
Cận cảnh Su-57 của Nga. (Nguồn: Bulgarian Military)
Su-57, được thiết kế để trở thành đối thủ cạnh tranh với các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, đã từng xuất hiện quốc tế lần đầu tại Triển lãm hàng không Dubai năm 2017, nhưng không thực hiện các màn trình diễn bay chính thức.
Từ đó đến nay, máy bay này vẫn chủ yếu biểu diễn trong nước, nổi bật tại các kỳ triển lãm MAKS ở Moscow, các năm 2019 và 2021.
Máy bay Su-57 vừa hạ cánh tại Thái Nguyên mang số hiệu "Bort 54" và được trang bị động cơ AL-41F1, một phiên bản có thể là mẫu sản xuất trước năm 2019.
Phiên bản mới nhất của Su-57 được kỳ vọng sẽ tích hợp động cơ Izdeliye 30 tiên tiến, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc động cơ này đã được tích hợp hoàn toàn vào các máy bay hoạt động.
Việc Su-57 tham gia Triển lãm hàng không Chu Hải không chỉ là một màn phô diễn công nghệ, mà còn gửi đi thông điệp chiến lược về mối quan hệ quốc phòng ngày càng gắn kết giữa Nga và Trung Quốc.
Dù Su-57 có được trang bị động cơ Izdeliye 30 mới hay không, mẫu máy bay này vẫn được kỳ vọng sẽ mang đến những màn trình diễn mãn nhãn, nhấn mạnh khả năng tàng hình, hệ thống điện tử tiên tiến và tính siêu cơ động – những yếu tố thu hút sự chú ý của các thị trường châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông, nơi nhu cầu về công nghệ quân sự hiện đại đang gia tăng.
Su-57 đã được Nga triển khai trong các chiến dịch quân sự tại Ukraine từ cuối năm 2022, thực hiện các nhiệm vụ tấn công sâu và hỗ trợ mạng lưới chiến đấu của Nga.
Trước đó, máy bay này cũng từng trải qua thử nghiệm thực chiến tại Syria, trở thành một trong số ít các máy bay chiến đấu tàng hình có kinh nghiệm chiến đấu thực tế trong môi trường khốc liệt.
Tuy nhiên, Nga hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc gia tăng sản xuất Su-57 để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) tuyên bố đã cải thiện năng lực sản xuất, nhưng số lượng vẫn hạn chế. Trong năm 2024, UAC chỉ giao một lô Su-57 cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, mà không tiết lộ số lượng cụ thể. Điều này cho thấy Nga có thể đang đối mặt với các vấn đề tắc nghẽn trong sản xuất, ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu của Su-57.
Sự xuất hiện của Su-57 tại Trung Quốc lần này không chỉ là một bước tiến về hợp tác quân sự mà còn là cơ hội để Nga giới thiệu một sản phẩm công nghệ quân sự hàng đầu, hứa hẹn gây tiếng vang tại Triển lãm hàng không Chu Hải.