Hà Nội

Stress vì dịch COVID-19: “Kiệt quệ” thể xác lẫn tinh thần

30-12-2020 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dịch COVID-19 khiến nhiều người bị sang chấn tinh thần. Những trạng thái căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, dễ nóng tức… là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị stress. Nếu không biết cách ứng phó dễ xảy ra hậu quả nặng nề, “bào mòn” từ tinh thần đến các cơ quan trong cơ thể.

2020 - một năm khởi đầu cho thập kỷ mới đầy biến động dần khép lại. Trong nay mai, tiếng pháo hoa lại nổ rợp trời, thế giới lại bước sang một năm mới tràn đầy kỳ vọng về những bước tiến mới, thay đổi mới và mong chờ đại dịch COVID-19 sớm kết thúc.

Một năm đầy bi thương của thế giới vì đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Năm cũ qua đi nhưng đã để lại cho thế giới những vết thương khó lành và biến 2020 trở thành một năm không thể nào quên trong những trang sử thế giới sau này. Thiên tai, thảm họa, xung đột, bạo động bao trùm nhiều nơi. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh đời sống, “bào mòn” tinh thần, tạo ra cú sốc lớn, stress nặng cho con người.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tác động của stress đến sức khỏe cũng như cách để chúng ta đối mặt và giữ vững tinh thần, vượt qua đại dịch này, đón xuân an lành trong “trạng thái bình thường mới”, GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam đã có những chia sẻ trước thềm kết thúc năm cũ 2020.

Stress - “Con sâu gặm nhấm” các cơ quan trọng yếu của cơ thể

Năm nay dịch bệnh, thiên tai dồn dập khiến nhiều người căng thẳng, lo âu. Dân gian có câu “tức giận hại gan”, vậy còn căng thẳng, stress thì sẽ hại đến những bộ phận nào trong cơ thể?

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, “sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật”. Theo một thống kê năm 2017, nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Tuy nhiên, số người biết bệnh và đi khám rất thấp.

Thời gian gần đây, số trường hợp đến khám rối loạn liên quan stress tại viện có phần gia tăng hơn. Một loạt các tác động tâm lý đã được quan sát trong các đợt bùng phát COVID-19, ở cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế.

Ở cấp độ cá nhân, nhiều người có thể có cảm giác sợ hãi bị ốm hoặc chết, cảm thấy bất lực. Đại dịch đã tác hại đến sức khỏe tâm thần cộng đồng, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý, nhất là khu vực cách ly lâu dài.

Một tổng phân tích quốc tế dựa vào nguồn của Science Direct, Embase, Scopus, PubMed, Web of Science (ISI) và Google Scholar databases, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến tháng 5/2020 cho thấy qua 5 nghiên cứu với số người 9.074 thì tỷ lệ stress chiếm 29,6%, tỷ lệ lo âu trong 17 nghiên cứu với số người 63.439 là 31,9% và nặng hơn là tỷ lệ trầm cảm qua 14 nghiên cứu với 44.531 người là 33,7%.

Mặc dù COVID-19 cũng do chủng coronavirus gây nên nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với các dịch bệnh do SARS và MERS trước đây. Người có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, suy thận… có nhiều khả năng dễ bị nhiễm virus hơn và có kết quả tồi tệ hơn người không có thậm chí tử vong.

COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất (Ảnh minh họa)

Ngoài các tác động về thể chất, COVID-19 có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của con người cả ở người nhiễm và không nhiễm virus, nhất là người ở trong vùng đại dịch.

Stress trực tiếp ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể như cortisol và adrenaline tăng cao và kéo dài liên tục, đây là một tác dụng có hại đối với hệ tim mạch. Khi đó, tim sẽ đập nhanh hơn, nhịp thở nhanh hơn để tăng cung cấp oxy; tay chân bị lạnh do các mạch máu ngoại biên co lại nhằm dồn máu cho các cơ quan quan trọng; cơ bắp căng cứng do ở trạng thái sẵn sàng phản ứng. Tuy nhiên, nếu yếu tố gây stress quá mạnh hoặc kéo dài, nội tiết tố tiết ra quá mức có thể kìm nén hệ miễn dịch, làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, sức khỏe suy giảm, cơ thể gặp nhiều tác hại, hàng loạt bệnh đồng mắc sẽ xuất hiện.

Stress cũng có thể làm cơ thể dễ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Ngoài ra, stress cũng ảnh hưởng xấu, làm huyết áp tăng cao đột ngột, làm tăng mức đường và cholesterol trong máu.

Stress có thể gây ra hoặc làm nặng lên những vấn đề tim mạch như: đau thắt ngực và bệnh mạch vành, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đột quỵ não. Với những người đã có sẵn bệnh lý tim mạch, stress có thể là yếu tố thúc đẩy gây ra các biến cố tim mạch một số các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, các rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

Stress còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây nên viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương xương khớp như đau khớp, co cứng cơ, các bệnh phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết thận chí ảnh hưởng toàn thân gây suy sụp, mệt mỏi…

Cụ thể thống kê về tim mạch, cho thấy tỷ lệ hiện mắc trầm cảm sau nhồi máu cơ tim từ 3-3,5 lần cao hơn so với cộng đồng. Về suy tim tỷ lệ trầm cảm chiếm hơn 20% ở những người bị suy tim so với những người khỏe mạnh.

Meng L. và cộng sự (2012) nghiên cứu phân tích mối liên quan giữa trầm cảm và tăng huyết áp, tiến hành trên 22.367 người tham gia theo dõi trung bình thời gian 9,6 năm. Nghiên cứu thấy rằng trầm cảm làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và nguy cơ có tương quan đáng kể với thời gian theo dõi và có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập của tăng huyết áp.

Stress lâu ngày sẽ có hành vi tự hủy hoại bản thân

Căng thẳng, stress có hại đến sức khỏe nhưng trong đại dịch COVID-19 này, đó là điều khó tránh khỏi. Và hầu hết mọi người thường cố chịu đựng, hoặc không biết mức độ nào thì cần phải đến bác sĩ để điều trị?

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Nhìn chung, tất cả các nghiên cứu đã kiểm tra các rối loạn tâm lý trong đại dịch COVID-19 báo cáo rằng, những người bị ảnh hưởng có một số triệu chứng của chấn thương tinh thần, chẳng hạn như đau đầu, buồn bã, căng thẳng, thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, mất ngủ, thiếu tập trung rối loạn tăng động, căng thẳng sau chấn thương và tức giận.

Các dấu hiệu và triệu chứng của stress bao gồm các biểu hiện hành vi như khóc lóc, ăn uống bất thường, hấp tấp, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác, hút thuốc, nghiện ngập,... hoặc biểu hiện cảm xúc như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, tức giận, sợ hãi, thất vọng, dễ nóng tính, bực tức và thường xuyên khó chịu...

Stress thường trải qua nhiều giai đoạn và mức độ. Giai đoạn báo động là giai đoạn cơ thể phản ứng stress chủ yếu qua hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động, làm tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và trương lực cơ bắp, làm cho nét mặt căng thẳng, cử chỉ cứng nhắc, có cảm giác đau bên trong cơ thể; rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, huyết áp tăng, khó thở, ngất xỉu, vã mồ hôi, nhức đầu, đau nhiều nơi, nhất là các cơ bắp. Người bệnh tăng cảm giác, nhất là thính giác, vì vậy tiếng động bình thường cũng trở nên khó chịu, dễ nổi cáu, bất an, kích động, rối loạn hành vi…

Nếu người bệnh trải qua giai đoạn này sẽ đến giai đoạn thích nghi với sự đề kháng của cơ thể tăng lên, con người có thể làm chủ tình huống stress. Nếu khả năng thích ứng cao, các chức năng tâm sinh lý của cơ thể được phục hồi. Ngược lại, quá trình phục hồi sẽ không xảy ra và cơ thể chuyển sang giai đoạn kiệt quệ.

Do vậy cần phải nhận biết sớm giai đoạn đầu tiên để tránh sự tiến triển thành lo âu, trầm cảm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hằng ngày. Khi đó là lúc chúng ta cần tìm đến bác sĩ để điều trị thích hợp.

Với riêng người bệnh tim mạch, huyết áp, có vẻ như sẽ “nhạy” hơn với các tác động của thời cuộc. Những lưu ý với những đối tượng này? Làm sao để bình ổn huyết áp, nhịp tim trước các thay đổi của cuộc sống?

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Nếu người bệnh đã có bệnh nền tim mạch thì chắc chắn stress, lo âu và trầm cảm sẽ có tác động rất mạnh chứ không phải “nhạy” nữa.

Bản thân huyết áp ở những người tăng huyết áp, tim mạch thường đã rất nhạy cảm với stress. Các khuyến cáo hiện nay của châu Âu, Hoa Kỳ và Việt Nam xem stress là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch chung và cho tăng huyết áp.

Stress trực tiếp ảnh hưởng đến lượng hormone cortisol và adrenaline tăng cao, đây là một tác động có hại với hệ tim mạch (Ảnh minh họa)

Phương pháp điều trị stress còn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của người bệnh. Những phương pháp kiểm soát và giảm stress hiệu quả như: rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao đều đặn, tập thiền, tập Yoga,...

Chế độ ăn uống cần chặt chẽ hơn như đảm bảo đủ năng lượng, tránh các thức ăn nhanh, các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, uống trà đậm, cà phê ban đêm...

Thực hiện thư giãn như nghe nhạc nhẹ, đọc sách tươi vui, trồng cây, nấu ăn nhẹ nhàng... thu xếp thời điểm phù hợp trong ngày cho hoạt động thư giãn này. Duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tăng cường quan hệ xã hôi tích cực, lành mạnh, quan tâm cộng đồng… Có thể áp dụng thêm châm cứu, massage, tắm nước suối nóng… đặc biệt phải ngủ đủ giấc.

Đồng thời, cần đi khám kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, để an tâm tự tin và có hiểu biết đúng đắn về sức khỏe của mình.

Hóa giải stress trong đại dịch: Từ dùng thuốc đến trị liệu tinh thần

Hiện nay, co nhiều phương pháp giảm stress nhưng có những cách khó áp dụng trong mùa COVID-19 (chẳng hạn đi du lịch) hoặc không rõ hiệu quả thế nào. Dưới góc nhìn của chuyên gia, GS có thể chia sẻ các biện pháp không dùng thuốc giúp giảm căng thẳng, lo âu mà có thể dễ dàng áp dụng trong mùa COVID-19?

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Đúng vậy, trong mùa dịch bệnh giãn cách xã hội là bắt buộc và cần thiết để khống chế dịch bệnh. Nhiều hướng dẫn rất có giá trị như đã nêu trên có khi không áp dụng trên thực tế, đôi khi phải thực hiện các biện pháp khác trong nhà, trong phòng trọ…

Có thể thực hiện các biện pháp tâm lý không dùng thuốc sau:

Tự đánh giá các dấu chứng lo âu: Bước đầu tiên là dừng lại một giây và quan sát những gì đang diễn ra với cơ thể của mình. Hãy suy nghĩ về những gì mình đang trải qua và liệu nó có liên quan đến cảm xúc buồn bã hay phản ứng với điều gì đó đáng báo động hoặc căng thẳng không. Nếu các triệu chứng của mình xảy ra sau một sự kiện hoặc một thời gian căng thẳng, có thể những cảm xúc này đã kích hoạt các triệu chứng của bạn. Ngoài ra, hãy cảnh giác với các dấu hiệu cho thấy bạn đang căng cơ, đây cũng có thể là dấu hiệu của phản ứng căng thẳng.

Tự đánh lạc hướng: Nếu nghi ngờ lo lắng là căn nguyên của các triệu chứng thực thể của mình thì sự phân tâm có thể là một công cụ hữu ích. Cụ thể chúng ta cần thử thực hiện các hoạt động có thể khiến chúng ta mất tập trung vào cơ thể, ví dụ xem phim ảnh, giặt giũ, làm vườn, tưới cây... Điều này có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy lo lắng và các dấu chứng thực thể đáng kể. Thông thường, khi chúng ta chuyển sang một hoạt động khác và loại bỏ các dấu chứng, chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Tuy vậy, sự phân tâm khác nhau ở mỗi người do đó phải thử các hoạt động khác nhau để tìm ra điều gì đưa tâm trí mình thấy yên tĩnh nhất.

Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ; sắp xếp công việc, học tập hợp lý có xen kẽ với nghỉ ngơi; ngủ đủ giấc là những phương pháp phòng ngừa stress hiệu quả (Ảnh minh họa)

Thư giãn cơ thể hoặc làm việc: Để giảm bớt căng thẳng, hãy thử một số bài tập thở sâu hoặc thư giãn. Có rất nhiều tài liệu trực tuyến và ứng dụng điện thoại thông minh có thể giúp thực hiện các kỹ thuật thư giãn. Hoạt động thể chất, Yoga… cũng có thể giúp bạn giảm căng thẳng.

Tự trấn an: Nếu chúng ta nghĩ rằng các dấu chứng của mình là do lo lắng, hãy tự trấn an bản thân rằng những gì bạn đang trải qua không có hại hoặc không gây tử vong. Các dấu chứng trên sẽ hết khi lo lắng giảm bớt.

Đối với những người đang trải qua các triệu chứng trầm cảm, có thể xem xét các can thiệp tâm lý ngắn gọn như trên. Nếu các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm của một người vẫn tồn tại ngoài khả năng hồi phục sau COVID-19 và/ hoặc xuất viện, thì có thể nghi ngờ rối loạn trầm cảm hoặc lo âu tiềm ẩn, nên được tư vấn chuyên gia sức khỏe tâm thần và cần được quản lý thích hợp các tình trạng này. (*)

Trường hợp người bị căng thẳng, lo âu đã cần dùng đến thuốc điều trị thì thường sẽ được kê những nhóm thuốc nào?

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Khi căng thẳng, lo âu đã dùng các biện pháp không dùng thuốc nhưng không cải thiện các bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc. Có nhiều nhóm thuốc tác dụng lên lo âu, stress và trầm cảm tùy theo mức độ như:

Nhóm benzodiazepin: Thường dùng là diazepam (seduxen, valium), flurazepam (dalmane), estazolam (prosom, nucfalon), temazepam (normison, restoril), triazolam (halcion) quazepam (doral), tofisopam (Grandaxin)... Hiện nay nhóm này được sử dụng khá nhiều, đây là các thuốc nhóm hướng tâm thần được quản lý cấp phát trong các cơ sở y tế có giường bệnh theo quy chế riêng.

Non-benzodiazepine: Non-benzodiazepines: etifoxine HCl (Stresam), Sedanxio…

Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Như Amitriptyline, imipramine… có tác dụng tăng lượng norepinephrine và serotonin sẵn có trong não.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): Được coi là loại thuốc hàng đầu trong điều trị stress, lo âu, trầm cảm. Phổ biến gồm có sertraline (Zoloft), citalopram (Celexa), và escitalopram (Lexapro).

Hiện có nhiều loại thuốc có tác dụng lên lo âu, stress và trầm cảm tùy theo mức độ, điều quan trọng là tuân thủ chặt chẽ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, còn có các thuốc khác như:

Thuốc kháng histamin: Thường dùng là doxylamin, promethazin, alimemazin, diphenhydramin, pyrilamin... Các thuốc này thường được dùng với chỉ định chống dị ứng, cảm cúm... nhưng có tác dụng an thần, gây ngủ nên có thể dùng khi bị stress.

Dược thảo Rotunda: Có tác dụng an thần gây ngủ với liều thấp mà độ dung nạp thuốc lại rất cao, ít tai biến và quen thuốc.

Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: Piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline,…

Hầu hết mọi người rất e ngại khi được kê thuốc hướng thần. Thực tế có nhiều người đã đi khám và được kê thuốc rồi, nhưng khi biết đó là thuốc hướng thần thì lo ngại tác dụng phụ hay lệ thuộc thuốc và không dám uống.

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Đó là sự e ngại đúng đắn. Các thuốc nói trên cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng xem xét có phù hợp với thể trạng của người bệnh vì thuốc nào cũng có những tác dụng phụ nhất định. đặc biệt lên gan, thận và cả tim mạch.

Ví dụ nhóm giải lo âu Benzodiazepine (BZD) chỉ nên ưu tiên cho những thuốc có thời gian bán hủy ngắn hơn và nguy cơ tương tác thuốc - thuốc thấp hơn. Nên sử dụng liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể; tránh dùng liều cao và kéo dài. Tofisopam (Grandaxin) thuộc nhóm BZD mới có tác dụng không gây buồn ngủ, giãn cơ, không gây lệ thuộc thuốc, ít độc tính.

Đối với những người nhập viện vì COVID-19, các nguyên nhân khác gây mất ngủ có thể bao gồm các yếu tố môi trường (ví dụ: ánh sáng quá mức và tiếng ồn vào ban đêm), lo lắng, mê sảng, kích động, đau hoặc đói không khí. Việc xác định và giải quyết kịp thời các nguyên nhân cơ bản nên được ưu tiên trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp hỗ trợ giấc ngủ bằng thuốc nào.

Những người đang dùng thuốc điều trị căng thẳng, lo âu cần lưu ý gì trong sinh hoạt để giúp điều trị hiệu quả?? Họ có cần tránh tham gia các hoạt động nào khi đang dùng thuốc không?

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh: Sinh hoạt có vai trò quan trọng vì nếu có dùng thuốc mà không tôn trọng các nguyên tắc sinh hoạt sẽ không hiệu quả. Đó là:

- Dinh dưỡng: bổ sung dinh dưỡng, vitamine nhóm B và khoáng chất, chế độ ăn dễ tiêu hóa (mềm, nhiều xơ), đủ vitamin và khoáng chất (hoa quả,…), tránh chất kích thích, uống đủ nước, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch… trong những trường hợp cần thiết. Tránh lạm dụng cafein hoặc rượu.

- Dùng các thuốc hỗ trợ đúng cách giúp cho hoạt hóa não và tránh stress tốt hơn.

- Duy trì liên lạc bác sĩ để đảm bảo sự tuân thủ thời gian điều trị của y lệnh bác sĩ cho đến khi các triệu chứng cải thiện để bệnh ổn định hoàn toàn.

- Trong bối cảnh COVID-19 cần xác định và đánh giá nhanh chóng các triệu chứng lo âu và trầm cảm và bắt đầu các chiến lược hỗ trợ tâm lý xã hội và các can thiệp đầu tay, để quản lý các triệu chứng trầm cảm và lo âu mới. Cụ thể là khuyến cáo người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn và sinh hoạt điều độ, tập thể dục đúng cách. Cần tránh tự cô lập bằng tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với tuổi giúp cho bớt căng thẳng và duy trì các mối quan hệ xã hội có tác dụng tốt.

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam
Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam

(*) Bài phổ biến kiến thức có sử dụng một số tư liệu của quí đồng nghiệp


Ý kiến của bạn