Nhiều nguyên nhân
RLGN là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ nông, thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ. Hay có những cơn ngủ kịch phát làm ảnh hưởng đến việc học hành, sinh hoạt và làm việc của người bệnh.
Trong RLGN, mất ngủ là tình trạng thường gặp nhất. Một số nguyên nhân gây mất ngủ thường gặp như: Do căn nguyên tâm lý, stress tâm lý khi người bệnh gặp thất bại trong công việc, tình cảm hoặc lo lắng về học tập và thi cử; sử dụng thuốc và chất kích thích (uống trà, cà phê) vào lúc chiều tối, hoặc sử dụng các thuốc có chứa cafein, lợi tiểu. Những người mắc một số bệnh lý, như: suy tim, cường giáp, xẹp lún cột sống do loãng xương (thường xảy ra ở người lớn tuổi), gãy xương hoặc là tình trạng đau trong bệnh lý ung thư giai đoạn cuối... cũng thường bị mất ngủ.
Một số trường hợp bị rối loạn lịch thức ngủ cũng thường xảy ra ở những người lao động theo ca kíp hay thức khuya học bài, tài xế, hoặc thay đổi múi giờ khi đi du lịch, di cư sang nơi khác làm cho thói quen ngủ, thức không thích ứng, gây nên chứng mất ngủ.
Ngoài các nguyên nhân trên, hội chứng trầm cảm và rối loạn tâm thần cũng là nguyên nhân đưa đến mất ngủ.
Rối loạn giấc ngủ là bệnh nhiều người mắc phải.
Các thể bệnh thường gặp và cách giải quyết
Mất ngủ thoáng qua: Thời gian mất ngủ của người bệnh chỉ vài ngày, thường do stress, thay đổi múi giờ và môi trường.
Mất ngủ ngắn: Thời gian mất ngủ của người bệnh kéo dài trong vài tuần, nguyên nhân thường do stress kết hợp với bệnh lý khác.
Mất ngủ mạn tính: Thời gian mất ngủ của người bệnh kéo dài trong nhiều tháng đến vài năm, liên quan đến nhiều nguyên nhân đan xen, như: stress tâm lý, bệnh lý nội ngoại khoa, dùng thuốc...
Điều trị mất ngủ chính là giải quyết các nguyên nhân gây mất ngủ, kết hợp với điều trị chứng mất ngủ. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý:
Nên duy trì đều đặn giờ đi ngủ, tức là không đi ngủ quá sớm hay thức quá khuya so với giờ đi ngủ hằng ngày. Người bệnh mất ngủ thường có tâm lý đi ngủ sớm, tìm cảm giác êm đềm (như ru giấc ngủ), nhưng cách này làm cho người bệnh thêm lo lắng và càng khó ngủ hơn.
Cần tránh ngủ trưa quá dài hoặc ngủ vào lúc xế chiều; tránh uống rượu, cà phê và chất kích thích vào chiều tối; tập thể dục thể thao đều đặn để rèn luyện thể lực và chống stress. Cần nhất là phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng mát, không đọc sách báo, xem tivi khi lên giường ngủ.
Đối với những trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc ngủ, người bệnh nên uống thuốc trước khi ngủ 20-30 phút. Cần lưu ý khi khởi đầu nên dùng liều thấp và thuốc được chọn phải có tác dụng ngắn, nhằm tránh tình trạng chóng mặt, mệt mỏi và buồn ngủ vào lúc sáng sớm, làm ảnh hưởng đến tinh thần và công việc của người bệnh.
Chứng mất ngủ thường liên quan đến stress, đặc biệt là mất ngủ mạn tính. Vì vậy, trong điều trị mất ngủ, ngoài các nguyên tắc nêu trên cần kết hợp thêm thuốc chống lo âu giúp giảm trạng thái căng thẳng, lo lắng ở người bệnh.
Đối với trường hợp sử dụng thuốc ngủ kéo dài, tuyệt đối không được uống rượu, bia, vì sẽ làm tăng độc tính cho cơ thể, đặc biệt là ở gan. Khi ngưng thuốc ngủ cũng phải ngưng từ từ, tránh ngưng đột ngột có thể làm người bệnh mất ngủ trở lại và đôi khi bị hội chứng cai thuốc, như: bứt rứt, lo lắng, nói nhảm, rối loạn hành vi tác phong, co giật...
Chứng bệnh “cơn ngủ kịch phát” cũng thường xuất hiện ở một số ít người. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, có thể là do viêm não, tổn thương vùng dưới đồi hay cuống não. Người bị bệnh này thường gặp cơn buồn ngủ bất chợt, không cưỡng lại được. Một ngày có thể nhiều cơn, mỗi cơn kéo dài vài phút. Người bệnh sẽ ngủ rất dễ dàng và sau khi thức dậy cũng rất tươi tỉnh, rồi sau ít phút lại rơi vào giấc ngủ khác. Cơn ngủ có thể xảy ra khi đang làm việc hay đang lái xe, làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và tính mạng của người bệnh. Chính vì thế, không nên xem thường khi phát hiện mình mắc chứng “cơn ngủ kịch phát” mà phải có cách điều trị phù hợp. Việc sử dụng cà phê, trà và thuốc làm gia tăng sự thức tỉnh (liều lượng tùy thuộc vào mỗi người bệnh), giúp cho người bệnh tỉnh táo hơn, tránh xuất hiện cơn ngủ kịch phát.
Trong cuộc đời, bất kỳ ai cũng có thể bị RLGN trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng nếu có sự hiểu biết về căn bệnh, cũng như nguyên nhân gây nên sẽ giúp chúng ta có cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả.