Chúng ta thường liên tục được nghe rằng stress là không tốt cho sức khỏe và ta nên hạn chế nó nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, việc căng thẳng không phải lúc nào cũng là xấu, Richard Shelton - Bác sĩ y khoa, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Khoa Tâm thần của Đại học Alabama Birmingham (Mỹ) cho rằng, sau cùng thì phản ứng "chiến hay chạy" được sinh ra để bảo vệ chứ không phải làm hại cơ thể.
Căng thẳng trong thời gian ngắn có lợi cho cơ thể bạn. Ảnh minh họa.
Stress tích cực có tồn tại?
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), stress tích cực hay còn gọi là "căng thẳng tích cực" (eustress) là sự căng thẳng được sinh ra khi làm điều có tính yêu cầu cao nhưng vui. Một số ví dụ của stress tích cực bao gồm:
- Nghỉ hưu
- Lập gia đình
- Chuẩn bị cho vị trí công việc mới
- Tham gia một sự kiện thể thao
Tuy rằng căng thẳng tích cực được sinh ra từ việc mong đợi một điều gì đó gây hứng thú, nó cũng không phải loại căng thẳng duy nhất được sinh ra mà có lợi.
Đối trọng của nó, căng thẳng tiêu cực – loại căng thẳng thường được nghĩ tới khi ta nói đến stress cũng có thể ảnh hưởng tích cực tới cơ thể và tâm lý.
Stress có lợi như nào?
Stress trong thời gian ngắn nói chung, có thể giúp ta trong việc đối mặt với những tình huống căng thẳng. Vì vậy, có một vài cách mà căng thẳng có ích đối với ta.
- Giúp tăng cường khả năng của não
Theo BS. Shelton, khi bị căng thẳng mức độ thấp não bộ sẽ tiết ra chất tên là Neurotrophin và tăng cường khả năng liên kết giữa các Neu-ron trong não. Đây là phương pháp chính mà một hoạt động thể chất (căng thẳng về mặt thể chất) giúp cải thiện năng suất và khả năng tập trung.
- Giúp tăng cường hệ miễn dịch trong thời gian ngắn
"Khi cơ thể phản ứng với stress, nó tự chuẩn bị cho nguy cơ bị chấn thương hoặc nhiễm trùng", BS. Shelton nói. "Một cách để nó chuẩn bị cho điều này là tiết ra thêm Interlukin – chất giúp điều hòa hệ miễn dịch – giúp cho cơ thể ít nhất là có một lớp giáp bảo vệ tạm thời".
Đặc biệt, trải nghiệm căng thẳng ngắn hạn có thể tăng cường khả năng bảo vệ của cơ thể về mặt miễn dịch nếu như một người bị thương hoặc bị nhiễm trùng, theo một nghiên cứu trên Frontiers in Neuroendocrinology.
- Giúp bạn kiên cường hơn
BS. Shelton cho biết, học cách xử lý các tình huống căng thẳng sẽ giúp việc đối phó với chúng trong tương lai dễ dàng hơn. Đó là ý tưởng đằng sau khóa huấn luyện của lính Navy SEAL (lính đặc nhiệm Hải quân Mỹ- PV). "Liên tục trải qua các tình huống căng thẳng đem lại cho họ cảm giác kiểm soát tình hình cả về mặt thể chất và tinh thần, chính vì thế mà khi phải chiến đấu, họ không bị đứng hình", BS. Shelton nói thêm.
- Có thể khích lệ bạn thành công
Stress có thể chính là thứ bạn cần để hoàn thành công việc. "Hãy nghĩ về một deadline, nó đang nhìn thẳng vào mặt bạn và điều đó sẽ kích thích những hành vi của bạn, giúp cho bạn kiểm soát tình huống hiệu quả, nhanh chóng và năng suất hơn. Chìa khóa là coi những tình huống căng thẳng như một thử thách để bạn vượt qua, thay vì là những chướng ngại không thể vượt được", BS. Shelton giải thích.
Tóm lại: Chỉ khi nào stress trở nên dai dẳng hoặc ngoài tầm kiểm soát của bạn nó mới ảnh hướng xấu tới tinh thần, sức khỏe. Nếu như bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát căng thẳng, hãy nói chuyện với một nhà cung cấp dịch vụ y tế hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm lý. Họ có thể giúp bạn trong việc kiểm soát căng thẳng hoặc đưa ra liệu trình phù hợp với bạn.