Hà Nội

Stress tâm lý có thể gây ung thư?

31-08-2020 10:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện nghi về mặt vật chất nhưng lại nó lại khiến cho tinh thần con người chịu nhiều áp lực, rơi vào sự căng thẳng, stress.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lý khác nhau và gia tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Sự liên hệ giữa sự căng thẳng tâm lý và bệnh ung thư có thể phát sinh trong một số cách. Ví dụ, người bị căng thẳng có thể phát triển hành vi nhất định, chẳng hạn như hút thuốc lá, ăn quá nhiều, hay uống rượu, làm tăng nguy cơ của một người đối với bệnh ung thư.

Mối liên hệ giữa stress và ung thư

Cuộc sống thường nhật khiến con người rơi vào trạng thái căng thẳng (stress). Bạn có thể stress khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, kẹt xe, lo lắng về sức khỏe bản thân, người thân... Nếu căng thẳng kết thúc nhanh chóng thì không đáng lo ngại nhưng nếu chúng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chuyên gia nghiên cứu về ung thư của Đại học Texas (Mỹ) cho rằng, có thể chia stress thành 2 loại: ngắn hạn, mạn tính. Để giải thích về vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng về stress ngắn hạn như: bạn cảm thấy hồi hộp, lo lắng trước khi phát biểu, bon chen trong đám đông khi đi mua sắm, cảm giác đó sẽ hết. Bạn vẫn có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lý khác nhau và gia tăng nguy cơ phát triển ung thư

Căng thẳng mạn tính có hại hơn, kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng mà không có điểm kết thúc rõ ràng. Đó có thể là việc chăm sóc cho một người thân bị bệnh, đối phó với tình trạng thất nghiệp, trục trặc về chuyện tình cảm... Và chính những căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, trầm cảm, ung thư...

Các nội tiết tố do stress tạo ra làm bất hoạt quá trình anoikis (quá trình tiêu diệt và ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư). Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng mạn tính cũng thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng làm tăng nguồn cấp máu, làm tăng tốc độ phát triển của khối u ác tính.

Một nghiên cứu về ung thư ở trẻ em cho thấy, một tỉ lệ không nhỏ trong số các trẻ em đã gặp phải những biến đổi nghiêm trọng về cuộc sống trong vòng một năm trước khi được chẩn đoán và phát hiện bệnh ung thư, thường là liên quan đến cái chết của một người thân hoặc mất đi những mối quan hệ thân thiết.

Ở phụ nữ, nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng lên 30% đối với những người phải làm việc căng thẳng. Nghiên cứu này thực hiện trên 36.000 phụ nữ  tuổi từ 30 đến 50 đang đi làm.

Các nhà khoa học cho rằng, stress trong thời gian kéo dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, dẫn đến cơ thể không chống đỡ được tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ nhận diện những tế bào bất thường trong cơ thể, sửa chữa hoặc tiêu diệt những tế bào này để ngăn chặn sự hình thành của tế bào ung thư. Khi bị stress, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormon corticoid để đối phó với tình trạng căng thẳng, nếu kéo dài, hormon này sẽ gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước ung thư.

Bên cạnh đó, áp lực cũng tạo điều kiện cho các thói quen xấu hình thành. Chúng ta bắt đầu thức khuya hơn, ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh, ngừng tập thể dục, bắt đầu hút thuốc, uống rượu bia để giải tỏa căng thẳng. Tất cả những yếu tố này rút ngắn con đường đến ung thư hơn.

Một số phương pháp làm giảm stress

Ai cũng sẽ trải qua những giai đoạn stress căng thẳng, quan trọng là chúng ta cần phải biết cách kiểm soát nó và không để những hậu quả đáng tiếc xẩy ra.

Chuyên gia về ung bướu và khoa học hành vi  chia sẻ một số phương pháp để làm giảm thiểu stress trong đó phải kể đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, phương pháp này còn gọi là liệu pháp trò chuyện và liệu pháp nhận thức – hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT). Liệu pháp này sẽ giúp bạn cởi bỏ hết mối dây nhợ trong tâm trí, những suy nghĩ, cảm xúc đang điều khiển hành vi của bạn. Liệu pháp này cung cấp các công cụ tinh thần để kiểm soát những mối lo âu có thể đè nặng lên hệ miễn dịch.

Tập thiền hay yoga đã được chứng minh có thể đối phó lại với những cơn căng thẳng, giải tỏa tâm trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Những người thường xuyên thực hành thiền sẽ có khả năng giữ được sự cân bằng trong việc thích ứng với những áp lực trong công việc, trong cuộc sống, giảm bớt nguy cơ lạm dụng các chất gây nghiện, giảm stress, lo âu, trầm cảm…

Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng xem tivi và lướt facebook là những cách giải trí trong lúc căng thẳng. Thực tế là những thông tin bạn thu nạp sẽ đầu độc tâm trí, khiến cho bạn luôn bị xáo động càng trở nên mệt mỏi hơn. Thay vào đó, hãy thử ngồi thật yên để xoa dịu những căng thẳng trong tâm trí, những đau nhức trên cơ thể, bạn sẽ thấy năng lượng được phục hồi nhanh chóng.

Để giảm stress cần đi ngủ sớm, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Đây là một món quà hết sức quý giá cho hệ miễn dịch, bồi bổ tâm thân, bộ nhớ và khả năng tập trung. Một “lịch ngủ” đều đặn, không để tivi trong phòng, tập thể dục thường xuyên… tất sẽ có những giấc ngủ ngon.

Sắp xếp lại cuộc sống của mình, tập sống đơn giản, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao, gặp bạn bè để hít thở sâu sẽ giúp bạn dần dần lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Mục đích của chúng ta là được sống vui vẻ và hạnh phúc, đừng để stress lấy đi điều đó của bạn.


BS.CK2. Nguyễn Văn
Ý kiến của bạn