Vào tháng 12 năm 2019, virus SARS-CoV-2 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Tới tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố là đại dịch. Cho đến nay, COVID-19 đã ảnh hưởng đến hơn 200 quốc gia, với tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 là hơn 229 triệu, số ca tử vong hơn 4,7 triệu.
Đại dịch COVID-19 có liên quan đến sự gia tăng lo lắng, cô lập xã hội, cảm giác bất lực ở nhiều nhóm dân cư khác nhau. Trước đó, trong một nghiên cứu tại Trung Quốc, 53,8% số người được hỏi cho rằng tác động tâm lý của COVID-19 từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng với tỷ lệ trầm cảm và lo âu liên quan lần lượt là 16,5% và 28,8%.
Stress, trầm cảm là "đại dịch" trong đại dịch đối với nhân viên y tế
Đại dịch COVID-19 đã đặt các nhân viên y tế trên toàn thế giới vào một tình huống chưa từng có. Nguy cơ xảy ra các trạng thái tâm lý bất lợi ở nhân viên y tế là đặc biệt cao.
Nhân viên y tế đang phải đối mặt với những điều kiện khó khăn và nguồn lực hạn chế để chăm sóc bệnh nhân COVID-19, điều này khiến họ có nguy cơ cao bị trầm cảm, lo lắng và mất ngủ. CDC Hoa Kỳ báo cáo 53% nhân viên y tế có các triệu chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc suy nghĩ tự tử, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu về áp lực tinh thần của nhân viên y tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh trong 5 tháng gần đây đã gián tiếp thể hiện điều đó. Trong hơn 3 tháng, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 342.219 ca mắc COVID-19 (tính đến 19/9/2021), số ca mắc mới ghi nhận trung bình mỗi ngày 5300 người, số ca tử vong là 13.444 người. Gần 200.000 nhân viên y tế đang chiến đấu với dịch bệnh, họ làm việc với cường độ gấp nhiều lần so với ngày thường, nhiều người phơi nhiễm, một số người đã tử vong sau khi mắc COVID-19...
Giai đoạn tháng 8/2021, các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn trong tình trạng quá tải. Ngày 05/08 Sở Y tế phải ra công văn yêu cầu tất cả các trung tâm y tế phải "mở cửa tiếp nhận người bệnh tự đến khám và cấp cứu 24/7". Tuy nhiên, con người và điều kiện cơ sở vật chất của các bệnh viện là có hạn...
Với kinh nghiệm từ những đại dịch trước, căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể xem như những phản ứng đi kèm với đại dịch. Nhân viên y tế trong các trận đại dịch trước đây đã trải qua tác động tâm lý tiêu cực kéo dài sau 1 năm (SARS). Các triệu chứng của căng thẳng sau sang chấn đã được quan sát thấy trong vòng vài tuần sau khi dịch bùng phát (SARS).
Những áp lực tinh thần mà nhân viên y tế phải trải qua trong một trận đại dịch có thể làm tăng nguy cơ kiệt sức của họ, điều này gây ra những hậu quả bất lợi, không chỉ đối với sức khoẻ cá nhân, mà còn đối với việc chăm sóc bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Đâu là nguyên nhân gây ra trầm cảm, lo lắng, căng thẳng ở nhân viên y tế?
- Tiếp xúc trực tiếp với virus.
- Xa gia đình, thiếu người chăm sóc con cái khi họ làm việc.
- Khối lượng công việc cao.
- Lo lắng khi phải tham gia vào công việc điều trị không quen thuộc.
- Nhân viên y tế có nguy cơ bị căng thẳng về tinh thần và kiệt sức về thể chất khi phải chăm sóc cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng.
- Chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, của đồng nghiệp.
- Đối mặt với những tình huống khó xử về đạo đức khi đưa ra quyết định điều trị với những nguồn lực hạn chế.
Nhận biết các triệu chứng rối loạn tâm thần mà nhân viên y tế có thể gặp phải
- Cảm thấy khó chịu, tức giận.
- Cảm thấy không chắc chắn, hồi hộp hoặc lo lắng.
- Cảm thấy bất lực.
- Thiếu động lực sống, làm việc.
- Cảm thấy mệt mỏi, choáng ngợp hoặc kiệt sức.
- Cảm thấy buồn hoặc chán nản.
- Khó ngủ.
- Khó tập trung.
Mẹo để đối phó với những rối loạn tâm thần và nâng cao khả năng phục hồi dành cho nhân viên y tế
- Trao đổi với đồng nghiệp, cấp trên, và nhân viên của bạn về căng thẳng trong công việc
- Nói chuyện cởi mở về đại dịch đang ảnh hưởng đến công việc của bạn như thế nào.
- Xác định các yếu tố gây căng thẳng và cùng nhau xác định các giải pháp.
- Hỏi về cách tiếp cận các nguồn thông tin chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc.
- Nhắc nhở bản thân rằng mọi người đang ở trong một tình huống bất thường với những nguồn lực hạn chế.
- Xác định và chấp nhận những điều mà bạn không có quyền kiểm soát.
- Nhận thức rằng bạn đang thực hiện một vai trò quan trọng trong việc chống lại đại dịch COVID-19, và bạn đang làm hết sức với các nguồn lực sẵn có.
- Tăng cường cảm giác kiểm soát bản thân bằng cách duy trì một thói quen hàng ngày khi có thể - lý tưởng là thói quen tương tự như trước đại dịch.
- Dành thời gian đầy đủ cho các bữa ăn
- Có khoảng thời gian giải lao trong ca làm việc
- Hãy tập thể dục hàng ngày, khi có thể. Dành thời gian ở ngoài trời, hoạt động thể chất, hoặc thư giãn.
- Tạm dừng việc xem, đọc hoặc nghe các câu chuyện tin tức, bao gồm cả mạng xã hội.
-Nếu bạn cảm thấy mình có thể đang lạm dụng rượu, thuốc lá, thuốc ngủ,..., hãy yêu cầu được giúp đỡ.
- Tham gia vào các kỹ thuật chánh niệm, chẳng hạn như các bài tập thở, thiền định.
Như vậy, nhân viên y tế đang phải đối mặt với những căng thẳng, gánh nặng và thách thức sức khoẻ tâm thần trong đại dịch COVID-19. Điều này đặc biệt rõ ràng đối với những người làm công tác điều trị trực tiếp, ở những nơi không đảm bảo đủ cơ sở vật chất và nguồn lực hạn chế.
Nhân viên y tế cần được tôn trọng vì công việc hàng ngày họ làm để giữ cho sức khoẻ toàn dân. Các nhà lãnh đạo trên thế giới và những người làm chính sách cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đầu tư vào sức khoẻ tâm thần và phúc lợi cho lực lượng chăm sóc sức khoẻ, ở cấp độ cá nhân, tổ chức và xã hội.
Tâm sự của bác sĩ đưa tiễn bệnh nhân COVID-19 tử vong